Trò chuyện đầu xuân: “Đừng ngồi kêu mà hãy tự xoay sở”

11/02/2016 10:26 AM

“Có một điểm tôi băn khoăn là nhiều doanh nghiệp kêu là không biết gì về các thỏa thuận FTA, trong khi đó các thông tin về những thỏa thuận này đầy trên Internet. Nhiều cuộc giới thiệu các vấn đề liên quan đến FTA của các cơ quan hữu quan, nhưng hầu như không có lãnh đạo doanh nghiệp đến dự, nếu có thì cũng chỉ cử các nhân viên mới vào làm việc đến tham dự lấy tài liệu đi về”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói.

vũ khoan

Ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ - Ảnh: Tuổi Trẻ.

Khả năng trả nợ mới quan trọng

Đến thời điểm này nhìn lại kinh tế Việt Nam năm qua, theo ông đâu là những điểm sáng và đâu là những điểm chưa đạt được? 

- Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2015, theo tôi, nét nổi bật là có dấu hiệu phục hồi tốt hơn trước, điều thường được thể hiện bằng cụm từ “chuyển biến tích cực” trong các báo cáo thành tích. 

Có hai nét nổi bật nhất: lạm phát giảm xuống và tốc độ tăng trưởng có nhích lên. Đó là hai nét đặc trưng tích cực nhưng đồng thời cũng hé lộ một số vấn đề khá quan trọng, nếu không muốn nói là nghiêm trọng. 

Thứ nhất, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế vẫn chưa đủ mạnh, tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm. Thứ hai, đó là vấn đề ngân sách và nợ công. 

Hiện nhiều ý kiến nói nợ công “đang ở ngưỡng an toàn” nhưng thực ra, có nhiều mặt không an toàn, ví như: tốc độ gia tăng nhanh tiền trả nợ ngày càng cao trong chi ngân sách, trái phiếu trong nước và quốc tế phải dành cho trả nợ... 

Theo tôi, vấn đề không phải nợ bao nhiêu mà khả năng trả nợ mới quan trọng. Điều này ẩn chứa hai nguy cơ: một là, vốn đầu tư cho phát triển hạn hẹp và hai là, gánh nặng nợ sẽ tăng thêm vì trái phiếu thực chất cũng là tiền vay. 

Như vậy, khi nhìn lại bức tranh của năm 2015 tôi cho rằng, về ngắn hạn nền kinh tế của chúng ta vẫn tốt nhưng về dài hạn và bề sâu thì lại có vấn đề, tức là mô hình phát triển chưa thay đổi.

Trong bối cảnh đó, ông nhận thấy có những ngành nghề, lĩnh vực nào có sự hồi phục tích cực nhất trong năm 2015?

- Điểm mặt các ngành kinh tế chủ yếu của chúng ta trong năm 2015 có thể thấy không ít khó khăn, ví như: dầu khí phải chịu cú sốc giá giảm mạnh, đóng tàu và vận tải biển chưa “bốc mạnh”, cơ khí có một vài điểm sáng nhưng chưa phải nổi bật, ngành ôtô cũng chưa có chuyển biến gì nhiều... 

Trong khi đó, các ngành khởi sắc vẫn là gia công, như: gia công điện thoại di động, gia công may mặc, giầy dép, đồ gỗ... Còn bất động sản có chuyển động nhưng đã đi vào ổn định vững chắc chưa thì cần theo dõi thêm. 

Bên cạnh những điểm trên, điều tôi lo ngại nhất đối với kinh tế Việt Nam năm qua là nông nghiệp. Bởi lẽ, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, với đa phần lực lượng lao động nằm ở nông thôn và trong ngành nông nghiệp, thế nhưng trong năm 2015, cả sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu nông sản đều có sự sụt giảm.

Phải làm sao để “gien” Việt Nam tăng

Ngoài ngành nông nghiệp, còn vấn đề nào theo ông cần phải “để mắt” tới trong các năm tiếp theo?

- Theo tôi, một mối quan tâm nữa là tỷ trọng nội - ngoại (doanh nghiệp nội - doanh nghiệp ngoại) như thế nào cho thỏa đáng. Đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế Việt Nam. 

Tôi không phải là người bài ngoại, mà hiểu rõ rằng nền kinh tế Việt Nam không thể phát triển nếu không có kinh tế đối ngoại. Nhưng, tỷ trọng kinh tế đối ngoại đến đâu là thỏa đáng, để nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trên đôi chân của mình và đem lại lợi ích trực tiếp cho kinh tế Việt Nam, là vấn đề rất lớn. 

Có thể thấy, năm 2014, khối FDI chiếm khoảng 67% xuất khẩu, năm 2015 có thể cao hơn. Họ xuất siêu trong khi các doanh nghiệp nội lại nhập siêu. Khối ngoại cũng đang đóng góp vào GDP ở mức trên dưới 20%, thậm chí trong công nghiệp chiếm tới trên 50%. Hiện tại, Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng, vậy tỷ trọng của nước ngoài sẽ tăng lên tới mức nào?

Theo tôi, vốn ngoại vào nhiều là tốt, nhưng phải làm sao để “gien” Việt Nam tăng lên, chứ không phải ngược lại. 

Đây là điều mà các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí Thái Lan, Malaysia... đã làm được điều đó. Vậy, ta thế nào?

Các tổ chức trong và ngoài nước đang đưa ra những báo cáo lạc quan về kinh tế. Với những kinh nghiệm của mình, ông dự báo như thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2016?

Cá nhân tôi hy vọng hơn, nhất là các quyết sách trong việc giảm thời gian nộp thuế, thủ tục hải quan... 

Năm 2016 có thể hy vọng đà hồi phục vẫn tiếp tục duy trì, chưa có dấu hiệu nào khủng hoảng. Thể chế sẽ tiếp tục được cải thiện với các luật mới ban hành như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. 

Đây là một căn cứ để đảm bảo nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng. Điểm nữa là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay, thì nguồn lực từ bên ngoài vào sẽ tiếp tục thuận lợi, đầu tư cũng sẽ tăng. Với những điểm trên, hy vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định.

Nền tảng đó là gì?

Năm 2016 có nhiều sự kiện lớn diễn ra, nhất là Đại hội Đảng lần thứ 12... Điều này sẽ có tác động thế nào đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Có thể thấy, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 sẽ chịu nhiều tác động từ những sự kiện lớn: Đại hội Đảng lần thứ 12, tiếp đó là bầu cử Quốc hội (tháng 5/2016), bầu ra Chính phủ nhiệm kỳ mới và các lãnh đạo bộ, ngành mới. 

Liên quan tới các sự kiện này, tôi thấy có mấy điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, thời hạn đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp xem ra không đạt và trong văn kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng cũng đã thể hiện điều đó. Bây giờ ta quay trở lại nhiệm vụ nêu ra từ năm 1995 là đẩy mạnh “xây dựng nền tảng”. 

Vậy, nền tảng đó là gì và bằng cách nào? 

Thứ hai, là xây dựng cái gì? Trong văn kiện đề ra tới 29 ngành trọng điểm, trong đó có cả ngành công nghệ văn hóa! Trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì cầu và doanh nghiệp quyết định sản xuất cái gì chứ không phải ngồi trong phòng lạnh mà quyết định được.

Thứ ba, là ai xây dựng? Doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp nước ngoài? Trong doanh nghiệp Việt Nam thì đó là doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân? 

Những câu hỏi đó vẫn chưa tìm được câu trả lời cụ thể, rõ ràng. Trong dự thảo văn kiện, vai trò doanh nghiệp tư nhân được nêu tương đối đậm hơn nhưng doanh nghiệp nhà nước vẫn là chủ đạo.

Vậy mối tương quan giữa hai đối tượng đó như thế nào? Theo tôi, những vấn đề trên vẫn cần làm rõ! 

Trong bối cảnh như vậy, theo ông, đâu là những điểm doanh nghiệp cần chú ý để đưa ra được chiến lược kinh doanh phù hợp nhất trong năm 2016?

Tôi cho rằng, năm 2016 có một số điểm thuận lợi cần chú ý. 

Thứ nhất, môi trường kinh doanh dù còn nhiều trắc trở nhưng sẽ được cải thiện. Đây là cơ hội giúp hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn. 

Thứ hai, kinh tế đi lên thì tiêu dùng sẽ tăng lên. 

Thứ ba, thị trường thế giới được mở ra, tức nguồn cầu tăng lên sẽ có lợi cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nắm bắt ba cơ hội này và tận dụng cải cách về thể chế và khai thác thị trường trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, vẫn còn nhiều thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp. Các thách thức đó có thể kể đến như: kinh tế thế giới chưa phục hồi và quá trình này sẽ còn kéo dài, môi trường kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn; nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa rất rộng. 

Dù các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương chưa triển khai thực tế trong năm 2016 nhưng nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã nhảy vào “lót ổ” trước từ rất sớm, không cẩn thận họ sẽ hưởng lợi nhiều hơn mình.

Hãy khởi nghiệp từ những điều nhỏ

Nhân dịp đầu xuân năm mới, ông có thể chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình đối với cộng đồng doanh nhân, nhất là những doanh nhân trẻ? Đâu là những điều các doanh nhân Việt cần làm để giúp doanh nghiệp vững bước đi lên?

Có một điểm tôi băn khoăn là nhiều doanh nghiệp kêu là không biết gì về các thỏa thuận FTA, trong khi đó các thông tin về những thỏa thuận này đầy trên Internet. Nhiều cuộc giới thiệu các vấn đề liên quan đến FTA của các cơ quan hữu quan, nhưng hầu như không có lãnh đạo doanh nghiệp đến dự, nếu có thì cũng chỉ cử các nhân viên mới vào làm việc đến tham dự lấy tài liệu đi về. 

Lời khuyên chân thành của tôi dành cho các doanh nghiệp Việt Nam là: đừng ngồi kêu mà hãy tự xoay sở! Chủ động tìm tòi thông tin, chủ động thu xếp công việc, chủ động tìm kiếm đối tác, chủ động tụ lại với nhau, và nhất là giữ cho được chữ tín, đừng để mất bạn hàng. 

Còn với những bạn trẻ có đam mê kinh doanh, tôi có ba thông điệp.

Thứ nhất, hãy khởi nghiệp từ những điều nhỏ. Chịu khó quan sát cuộc sống, và tìm thấy sự nghiệp của mình trong những cái nhỏ đó. Khi đã làm thì cần làm đến nơi đến chốn, nếu không thì không khởi nghiệp được. 

Thứ hai, khi đã quyết tâm làm thì làm một cách chuyên nghiệp, tận tâm và tỉ mỉ. 

Thứ ba, hãy sửa những lỗi trong văn hóa, nhất là văn hóa trong kinh doanh. Nếu các bạn trẻ giải quyết được ba điểm trên, họ sẽ khởi nghiệp được.

Ngô Hải

Theo Vneconomy

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,589

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079