Thông tư “thò ra rút lại”, quy trách nhiệm bộ trưởng

27/06/2016 08:35 AM

“Một thông tư ban hành bị phản ứng thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước tiên. Cứ vừa ban hành xong, bị phản ứng rồi rút lại, riêng chuyện đó thôi đã làm cho việc quản lý nhà nước nhờn đi và tính nghiêm minh không có”, TS. Trần Du Lịch bày tỏ quan điểm với phóng viên Tiền Phong.

Trần Du Lịch

TS Trần Du Lịch.

Lợi ích cục bộ chi phối

Tại phiên họp về xây dựng pháp luật vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm xóa bằng được lợi ích nhóm chi phối chính sách. Ông thấy sao về tính cấp thiết của vấn đề này?

Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ là vấn đề đã được doanh nghiệp, nhân dân nói rất nhiều, Quốc hội cũng quan tâm đề cập nhiều năm rồi. Vấn đề lợi ích nhóm mà Thủ tướng muốn nói chính là lợi ích cục bộ của các bộ, ban, ngành khi soạn thảo các văn bản. Tôi ví dụ, một thông tư hay nghị định của bộ này, bộ kia soạn thảo thì bao giờ cũng bảo vệ lợi ích của bộ đó trước tiên. Điều đó xuất phát từ lợi ích nhóm và cũng không loại trừ một số chính sách có nhóm lợi ích tác động vào. Với một quyết tâm chỉ đạo rất rõ ràng của Thủ tướng Chính phủ như vậy, tôi hi vọng lần này phải thực hiện cho bằng được.

Vậy cần phải làm gì để hiện thực hóa điều này, thưa ông?

Thực tế hiện nay, có những văn bản trình ra Quốc hội còn thể hiện yếu tố lợi ích cục bộ. Tôi cho rằng Chính phủ cần nâng cao vai trò của Bộ Tư pháp hay cơ quan nào đó của Chính phủ, để khi trình một văn bản, anh phải là người xem xét một cách độc lập, khách quan mới có thể loại được yếu tố lợi ích nhóm tác động chính sách mà Thủ tướng đã đề cập.  

Mặc dù chỉ mới đảm đương cương vị trong một thời gian ngắn, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những quyết định mà tôi cho rằng rất đúng và mạnh mẽ. Chẳng hạn như nghị quyết về việc hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp, rất quyết đoán trong cải thiện đầu tư; bây giờ là chống lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách, vấn đề đã được đặt ra trong nhiều năm qua… Tôi hi vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết tâm làm đến nơi đến chốn từ quyết định mạnh mẽ này.

các quy định về thuế phải làm sao cho số đông được thuận lợi, thiểu số còn lại gian lận có thể xử lý riêng

Theo TS Trần Du Lịch, các quy định về thuế phải làm sao cho số đông được thuận lợi, thiểu số còn lại gian lận có thể xử lý riêng. Trong ảnh: DN nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng

Một trong những điểm đáng chú ý được Thủ tướng nhấn mạnh là khi ban hành một quyết định sai, trước tiên bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, ông thấy sao?   

Điều đó thể hiện vai trò trách nhiệm của cá nhân là rất rõ. Lâu nay chúng ta đã nói nhiều đến việc nhiều thông tư chỉ vừa ban hành rồi lại rút lại mà không ai phải chịu trách nhiệm cả. Vấn đề này trong thực tiễn diễn ra khá nhiều. Để khắc phục được điều này cần phải quy cho được trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. Một thông tư ban hành bị phản ứng thì bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước tiên. Cứ vừa ban hành xong, bị phản ứng rồi rút lại, riêng chuyện đó thôi đã làm cho việc quản lý nhà nước nhờn đi và tính nghiêm minh không có. Việc quy trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu ở đây là rất đúng.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thì đưa ra đề nghị, khi ban hành các quy định chi tiết cần đảm bảo nguyên tắc thà bỏ sót còn hơn siết chặt, thưa ông?

Quan điểm của tôi là không tạo ra sự đối lập giữa chuyện bỏ sót với quản lý chặt chẽ. Trong quản lý nhà nước, chúng ta cần phải quy định làm sao để tạo điều kiện thuận lợi cho đa số, còn nhóm cá biệt có thể xử lý riêng, đừng vì thiểu số mà làm khó đa số. Tôi ví dụ như quy định về thuế, có khoảng 70 – 80% chấp hành tốt các chính sách thuế, thiểu số còn lại gian lận thì phải quy định làm sao cho số đông được thuận lợi, đừng gây khó khăn cho họ.

Vậy theo ông vai trò giám sát của Quốc hội trong việc này ra sao?

Trước hết Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cần phải phát huy vai trò mạnh mẽ hơn. Muốn vậy đơn vị này cần phải được đầu tư cho xứng tầm về nhân lực, nguồn lực để họ rà soát các văn bản của Chính phủ, của chính quyền các địa phương, còn Quốc hội chủ yếu giám sát các nghị định cụ thể hóa các luật. Tôi ví dụ như nhiều nghị định lấn luật, như vậy Quốc hội phải giám sát và “thổi còi”. 

Đối với các thông tư nâng lên nghị định bắt buộc phải cụ thể hóa luật nào chứ không thể chung chung được. Do vậy, cần phải chấm dứt ngay tình trạng nghị định mà ở trên không có luật, tức là nghị định “không đầu”.

Cảm ơn ông!

Dũng Nguyễn (thực hiện)

Theo Tiền phong

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,370

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079