Từ 1/9, DN giảm được gánh nặng thủ tục thu nộp và hoàn thuế

11/08/2016 09:12 AM

Theo quy định, nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu là đối tượng phải nộp thuế khi nhập khẩu, sau đó sẽ được hoàn thuế khi xuất khẩu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, từ 1/9/2016, theo Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13 , những mặt hàng này thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu.

Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Nguyễn Văn Long (Lào Cai) phản ánh một số vướng mắc về thủ tục hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu được sản xuất, chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu và đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có biện pháp cải cách thủ tục hành chính để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Vừa qua, doanh nghiệp của ông Long xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu, thuộc diện không thu thuế. Khi làm thủ tục mở tờ khai thông quan, doanh nghiệp chưa thể cung cấp được chứng từ thu tiền bán hàng của khách hàng qua ngân hàng nên cơ quan hải quan chưa ban hành quyết định không thu thuế, do vậy, doanh nghiệp phải nộp thuế xuất khẩu.

Đến khi xuất khẩu giao hàng cho khách, vì thủ tục tranh chấp chất lượng hàng hóa, nên đến hạn 30 ngày khách hàng vẫn chưa thanh toán hết giá trị hàng, cơ quan hải quan không ban hành quyết định không thu thuế và ngân hàng tự động chuyển tiền nộp thuế vào ngân sách. Sau khi khách hàng thanh toán đầy đủ, doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế thì cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra trước hoàn thuế sau.

Khi doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan kiểm tra thì được trả lời, chưa xác định được ngày kiểm tra vì phải thực hiện theo kế hoạch kiểm tra của Tổng cục Hải quan. Do vậy, thời gian để được hoàn thuế kéo dài, số tiền đã nộp thuế trước đó lại lớn nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến chứng từ thanh toán qua ngân hàng để xác định hồ sơ không thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu sản xuất xuất khẩu, ông Long đã tham khảo Điều 128, Thông tư số 38/2015/TT-BTC thấy có điều kiện là “Số chứng từ thanh toán đối với trường hợp đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng”. Ông Long hỏi, vậy trong trường hợp này, chứng từ thanh toán qua ngân hàng ở đây quy định đối với nguyên liệu nhập khẩu hay hàng hóa xuất khẩu cho khách hàng?

Đối với việc kiểm tra để hoàn thuế, nếu ngành hải quan áp dụng kế hoạch kiểm tra của Tổng cục Hải quan cho các Chi cục trực thuộc Cục hải quan các tỉnh thì như vậy có phù hợp không?

Ông Long cũng cho rằng, việc hàng hóa nhập khẩu sản xuất xuất khẩu thuộc diện không thu thuế nhưng khi làm thủ tục xuất khẩu doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra 1 số tiền tương ứng với thuế xuất khẩu của hàng hóa đó gửi vào ngân hàng để phát hành bảo lãnh thuế sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi có những doanh nghiệp phải chi khoản tiền rất lớn (10-20 tỷ đồng), do vậy, ông đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giảm bớt thủ tục này.

Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

Căn cứ Điểm d, Khoản 1, Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11; Khoản 4, Điều 15 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ; Khoản 5, Điều 114 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính thì, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu hoặc xuất vào khu phi thuế quan nếu đã nộp thuế nhập khẩu thì được hoàn thuế tương ứng với tỷ lệ sản phẩm thực tế xuất khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu.

Về chứng từ thanh toán

Theo Khoản 1, Điều 58 Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13, thì hồ sơ hoàn thuế bao gồm văn bản yêu cầu hoàn thuế và các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế.

Căn cứ Khoản 3, Điều 128 Thông tư số 38/2015/TT-BTC, trường hợp hàng hóa xuất khẩu có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu thuộc đối tượng không phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định thì tại công văn đề nghị không thu thuế xuất khẩu nêu rõ số chứng từ thanh toán đối với trường hợp đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

Để có cơ sở chứng minh hàng hóa xuất khẩu được sản xuất, chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu và đã thực xuất khẩu thì tại công văn đề nghị hoàn thuế, không thu thuế doanh nghiệp phải nêu số chứng từ thanh toán đối với nguyên liệu nhập khẩu; số chứng từ thanh toán đối với hàng hóa xuất khẩu (trường hợp đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng).

Trường hợp người nộp thuế còn nợ chứng từ thanh toán qua ngân hàng tại thời điểm nộp hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế thì hồ sơ thuộc đối tượng kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau theo quy định tại Điểm g, Khoản 2, Điều 41 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP; Khoản 6 Điều 129 Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Về bảo lãnh thuế đối với hàng xuất khẩu

Khoản 3, Điều 128 Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định, trường hợp hàng hóa xuất khẩu có đủ điều kiện xác định là được chế biến từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu thuộc đối tượng không phải nộp thuế xuất khẩu, tại công văn đề nghị không thu thuế xuất khẩu người nộp thuế phải nêu số tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan.

Để tờ khai hoàn thành thủ tục hải quan thì người nộp thuế phải nộp đủ tiền thuế xuất khẩu hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng về số tiền thuế phải nộp. Cơ quan Hải quan sẽ ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế xuất khẩu sau khi kiểm tra và có đủ cơ sở xác định hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc nhập khẩu.

Về việc kiểm tra của cơ quan hải quan

Việc kiểm tra đối với hồ sơ thuộc đối tượng kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau đã được quy định tại Khoản 3, Điều 49, Nghị định số 83/2013/NĐ-CP; Khoản 3, Khoản 4 Điều 59, Điều 130 Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Theo đó, Cục trưởng Cục Hải quan ban hành quyết định kiểm tra, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý tổ chức thực hiện việc kiểm tra. Việc kiểm tra được thực hiện không quá 5 ngày làm việc tại cơ sở sản xuất, trụ sở của tổ chức, cá nhân.

Đối với trường hợp phức tạp, Cục trưởng Cục Hải quan ban hành quyết định gia hạn thời hạn kiểm tra nhưng không quá 5 ngày làm việc. Do đó, việc tiến hành kiểm tra của cơ quan hải quan đối với hồ sơ thuộc đối tượng kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau là một thủ tục bắt buộc theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu tại Khoản 7, Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 (có hiệu lực từ ngày 1/9/2016) đã quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu.

Trường hợp tiếp tục có vướng mắc đề nghị ông Long liên hệ với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa để được hướng dẫn thực hiện.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 18,964

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079