Hướng dẫn tính trợ cấp thôi việc

16/05/2017 08:09 AM

Ông Vương Đình An (Hà Nội) là công nhân viên quốc phòng thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel từ năm 2007, đóng BHXH được 21 năm. Đến tháng 3/2017 ông có đơn xin thôi việc và được doanh nghiệp đồng ý. Hệ số lương trước khi nghỉ việc là 3,89. Ông An hỏi, cách tính tiền trợ cấp thôi việc của ông là thế nào?

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời ông An như sau:

Điều 48 Bộ luật Lao động quy định, khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này (trong đó có trường hợp hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 3 Điều này) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.

Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết như sau:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó:

Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ theo quy định của Luật BHXH ; thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo các Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động; thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc và thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội;

Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.

Cụ thể trường hợp ông Vương Đình An, theo ông An phản ánh, ông là công nhân quốc phòng làm việc tại một doanh nghiệp quốc phòng từ năm 2007 (không nêu rõ bắt đầu từ tháng nào của năm 2007), đến tháng 3/2017 ông có đơn xin thôi việc và được doanh nghiệp đồng ý cho thôi việc. Đây là trường hợp hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động, nên ông An được hưởng trợ cấp thôi việc khi thôi việc.

Nếu ông An bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp từ tháng 1/2007 và thôi việc vào cuối tháng 3/2017, thì tổng thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp này là 10 năm 3 tháng, trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp (kể từ ngày Nghị định số 127/2008/NĐ-CP về bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực 1/1/2009 cho đến khi thôi việc) là 8 năm 3 tháng, còn lại thời gian được hưởng trợ cấp thôi việc là 2 năm.

Nếu ông An bắt đầu làm việc tại doanh nghiệp từ sau tháng 1/2007 đến tháng 6/2007, thôi việc vào tháng 3/2017 thì sau khi lấy tổng thời gian làm việc thực tế tại doanh nghiệp, trừ đi thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 8 năm 3 tháng, mà thời gian còn lại để tính hưởng trợ cấp thôi việc là 1 năm lẻ 6 tháng trở lên thì được tính bằng 2 năm.

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 6 tháng liền kề trước khi ông An thôi việc.

Nếu 6 tháng liền kề trước khi thôi việc ông An đang hưởng mức lương hệ số 3,89 (bậc 6/8 thang lương chuyên viên, kỹ sư, Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ở các Công ty Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP), thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông An như sau:  ½ tháng lương hệ số 3,89  x 2 năm = 1 tháng tiền lương hệ số 3,89.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 235,409

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079