Sự khác biệt về “quyền im lặng” trong quan hệ dân sự và tố tụng hình sự

26/06/2017 11:04 AM

Vụ án lừa đảo tài sản của hoa hậu người Việt tại Nga – Trương Hồ Phương Nga và tổng giám đốc Vina Cyber – Cao Toàn Mỹ rầm rộ mấy ngày qua đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt là những người đang theo học, đi làm hoặc nghiên cứu về ngành luật vì Bị cáo Nga đã thể hiện “Quyền im lặng” trong suốt phiên tòa.

Video Hoa Hậu Phương Nga nêu lý do tại sao cô thực hiện “Quyền im lặng”

Hẳn nhiều người cũng từng nghe “ sự im lặng” trong quan hệ dân sự, vậy sự khác biệt giữa “im lặng” trong dân sự và hình sự như thế nào?

Quan hệ dân sự: Im lặng không có nghĩa là đồng ý

Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Điều 393. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

1. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

2. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Như vậy, nếu các bên thỏa thuận là khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng thì sự im lặng được coi như sự trả lời chấp thuận giao kết.

Tiếp đó Điều 400 quy định như sau:

Điều 400. Thời điểm giao kết hợp đồng

1. Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.

Như vậy, khi đã thỏa thuận rằng sự im lặng có nghĩa là đồng ý, thì cứ hết thời hạn trả lời mà bên được đề nghị không có ý kiến gì thì hợp đồng sẽ bắt đầu có hiệu lực. Vấn đề này hiện nay không còn lạ, mà nó xảy ra hằng ngày qua các giao dịch giữa các công ty, các cá nhân.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào các bên cũng thỏa thuận im lặng có giá trị như một chấp nhận hợp đồng. Phần lớn các giao dịch không có thỏa thuận như vậy.

Rất nhiều vụ việc, trước đó các bên không hề có thỏa thuận về sự im lặng, như khi bên đề nghị có động thái thực hiện hợp đồng thì bên nhận được đề nghị lại vẫn thực hiện một phần nào đó theo đề nghị của bên kia. Như vậy trong trường hợp này có được coi là đồng ý?

Qua những vụ việc trên, có thể xem xét việc đồng ý thực hiện hợp đồng từ sự im lặng thông qua các biểu hiện sau:

- Bên giữ im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng nhưng sau đó yêu cầu bên kia thực hiện hợp đồng

- Bên giữ im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng tiếp nhận việc thực hiện hợp đồng của bên kia và cũng tiến hành thực hiện hợp đồng từ phía mình.

- Bên giữ im lặng trong quá trình giao kết biết rõ việc thực hiện hợp đồng nhưng không có phản đối gì.

- Dựa vào lời khai của bên giữ im lặng trong quá trình giao kết hợp đồng khi lời khai này cho thấy rằng người giữ im lặng đã đồng ý hợp đồng

(theo GSTS Đỗ Văn Đại)

Tố tụng hình sự: Liệu lúc nào cũng nên giữ im lặng

Điểm mới của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 là thể hiện được quyền giữ im lặng của bị can, bị cáo dù không dùng từ ngữ trực tiếp để thể hiện điều này, cụ thể bộ luật này quy định tại Điều 59, 60, 61 rằng: “Người bị tạm giữ, Bị can, Bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;”

Như vậy, trong vụ án của hoa hậu Phương Nga, cô đã chọn cách không đựa ra lời khai chống lại chính mình bằng việc chọn im lặng khi được tòa và cơ quan kiểm sát hỏi tại phiên tòa. Tuy nhiên việc im lặng này có thật sự là an toàn cho bị cáo. Nhiều ý kiến cho rằng việc im lặng tại phiên tòa của Bị cáo là sai lầm, vì đây là cơ hội để có thể trình bày cho HĐXX hiểu và làm rõ được những sai phạm trong quá trình lấy lời khai của cơ quan điều tra nếu có.

Việc im lặng của bị cáo sẽ dẫn đến hệ quả phát sinh liên quan đến người bị hại,người bào chữa, cũng những người liên quan khác theo Điều 309 BLTTHS:  

“Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án”

Qua đó ta thấy rằng cả hai “sự im lặng” trên đều không có nghĩa là đồng ý, mà đó chỉ là một cách biểu thị ý kiến của người tham gia hợp giao kết hợp đồng hoặc bị cáo về vụ việc mà mình đang đối mặt. Có thể là đồng ý, có thể là từ chối, thậm chí là thể hiện sự không hài lòng.

Hân Nguyễn

Chia sẻ bài viết lên facebook 52,573

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079