Thiệt hại tiền tỷ vì sử dụng phần mềm bất hợp pháp

09/09/2017 08:20 AM

Các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ hiện đang là rào cản cho các DN Việt Nam phát triển. Theo các chuyên gia, quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và quyền tác giả đối với chương trình máy tính nói riêng là một trong những vấn đề lớn nhất nhưng vẫn chưa được nhiều DN quan tâm, điều này sẽ có ảnh hưởng tới tiến trình hội nhập của DN.

Phần mềm

DN cần nâng cao kỹ năng, trình độ để bảo đảm sử dụng phần mềm hợp pháp. Ảnh: Danh Lam.

Phải đền bù cả tỷ đồng vì vi phạm

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, qua các đợt thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan đặc biệt là chương trình máy tính, nhiều DN đã bị phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính lên tới hàng chục tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2017, cơ quan này đã thanh tra 55 DN, xử phạt vi phạm hành chính gần 1,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các DN sử dụng chương trình máy tính, phần mềm bất hợp pháp không chỉ bị các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính mà còn có nguy cơ gây lộ, lọt thông tin DN, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, ông Gary Gan, Giám đốc Chương trình tuân thủ khu vực châu Á -Thái Bình Dương, Liên minh Phần mềm (BSA) cho rằng, giữa việc sử dụng phần mềm bất hợp pháp, phần mềm không bản quyền và các cuộc tấn công mã độc, tấn công mạng có mối liên hệ chặt chẽ. Vì thế, nếu DN sử dụng phần mềm hợp pháp, DN sẽ nhanh chóng phát hiện hành động tấn công mạng nếu có để có biện pháp xử lý hiệu quả.

Cũng về vấn đề này, theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tế cho thấy có nhiều tác hại cho DN như DN có thể vướng vào những vụ kiện nên phải ngừng sản xuất hoặc không thâm nhập được vào các thị trường lớn, nhất là những thị trường đòi hỏi tuân thủ pháp luật cao trong việc sử dụng sản phẩm, phần mềm có bản quyền sở hữu trí tuệ.

Trường hợp điển hình cho nhận định trên là cách đây không lâu, một DN tại Đồng Nai phải đền bù 100% giá trị phần mềm vi phạm khoảng hơn 1 tỷ đồng và công khai xin lỗi hai công ty phần mềm Microsoft và Lạc Việt. Không những thế, với việc XK hàng hóa sang Mỹ - một trong những thị trường XK trọng điểm của các DN Việt Nam, pháp luật tại nhiều bang đã áp dụng Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA). Bộ luật này yêu cầu tất cả các nhà sản xuất, XK trên thế giới phải sử dụng phần cứng, phần mềm hợp pháp, có bản quyền trong mọi hoạt động sản xuất, thương mại. Bởi việc một DN sử dụng phần mềm bất hợp pháp sẽ có lợi thế về giá, tạo nên cạnh tranh không lành mạnh với các DN mất chi phí sử dụng phần mềm có bản quyền, nên sản phẩm hàng hóa của DN này có thể bị kiện hoặc bị coi là sản phẩm vi phạm, dẫn tới cấm NK.

Năng suất tăng cao khi sử dụng phần mềm hợp pháp

Chia sẻ về việc sử dụng phần mềm trong DN, bà Trần Hải Yến, Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Benew cho biết, do máy móc thiết bị của DN được NK trực tiếp từ nước ngoài nên phần mềm được cài đặt sẵn giúp hoạt động sản xuất của DN không gặp trục trặc hay vướng mắc khi có cơ quan thanh kiểm tra. Mặc dù vậy, vị giám đốc này vẫn bày tỏ sự lo lắng khi DN chưa tìm được phương pháp để đảm bảo vấn đề bản quyền của các chương trình máy tính sử dụng tại DN, do còn thiếu nhân lực có trình độ để quản lý và cài đặt.

Đây là thực trạng chung của nhiều DN, bởi các DN cho rằng, quy mô DN thường ở mức nhỏ và vừa, trình độ nhân lực hạn chế, năng lực tài chính khó đáp ứng nên rất dễ vấp phải tình trạng vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là vấn đề có thể hay không thể, mà vấn đề nằm ở ý thức của DN có thực sự quan tâm hay không. “Nếu là DN có tư duy và tầm nhìn tốt, thì với sở hữu trí tuệ, dù kinh phí cao bao nhiêu cũng sẽ thực hiện”,  PGS.TS. Mai Hà, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhận định.

Chia sẻ về lợi ích của DN khi sử dụng phần mềm hợp pháp, đại diện Công ty CNC Mastercam cho hay, tháng 7 vừa qua, Mastercam phát hiện một công ty sử dụng phần mềm Mastercam không có bản quyền, tuy nhiên 2 bên đã đạt được thỏa thuận để không xảy ra kiện tụng, công ty kia đã đồng ý mua giấy phép sử dụng Mastercam hợp pháp. Chỉ sau khoảng 1 tháng cài đặt và được hưởng chính sách đào tạo về sử dụng phần mềm của Mastercam, năng suất thực tế của công ty đó đã tăng khoảng 30% so với trước đây.

Ngoài ra, các DN phần mềm tại Việt Nam hiện nay đều đưa ra chính sách cấp phép phần mềm rất thuận tiện cho khách hàng, không những với giá thành ưu đãi mà khách hàng còn được đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật. Ông Gary Gan cho hay, DN nên có công cụ quản lý phần mềm dành cho DN để thực hiện đánh giá các phần mềm hiện có. Điều này sẽ giúp DN đồng bộ được việc sử dụng phần mềm của mình với yêu cầu của DN, bảo đảm có sự lồng ghép trong hoạt động của DN để nhanh chóng phát hiện và đối phó hiệu quả những rủi ro có thể xảy ra trên môi trường mạng toàn cầu, cũng như đảm bảo hệ thống phần mềm hợp pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường khi sản xuất, kinh doanh.

Hương Dịu

Theo Báo Hải quan

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,701

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079