Những điều cần lưu ý khi đi khám bệnh, chữa bệnh bằng thẻ BHYT

16/07/2018 16:47 PM

Để thuận lợi hơn khi đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bằng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), quý thành viên cần lưu ý những điều sau:

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

1. Người tham gia BHYT khi đến KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

- Trẻ em dưới 6 tuổi đến KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định;

- Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến KCB phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do tổ chức BHXH nơi tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

- Trường hợp chuyển tuyến KCB, người tham gia BHYT phải xuất trình một trong các giấy tờ ở các trường hợp trên;

- Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình một trong các giấy tờ ở các trường hợp trên khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở y tế làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến KCB như trường hợp KCB đúng tuyến quy định.

- Người tham gia BHYT đến khám lại theo giấy hẹn của bác sỹ tại cơ sở y tế tuyến trên không qua cơ sở y tế đăng ký KCB ban đầu phải xuất trình một trong các giấy tờ ở các trường hợp trên và giấy hẹn khám lại. Mỗi giấy hẹn khám lại chỉ có giá trị sử dụng một lần theo thời gian ghi trong giấy hẹn. Căn cứ vào tình trạng bệnh và yêu cầu chuyên môn khi người bệnh đến khám lại, bác sỹ quyết định việc tiếp tục hẹn khám lại cho người bệnh.

2. Mức hưởng BHYT

Tham khảo thêm tại bài viết Mức hưởng bảo hiểm y tế đúng tuyến, trái tuyến, chuyển tuyến

2.1. Khám bệnh đúng tuyến

- Hưởng 100% đối với các trường hợp:

+ Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan; Người có công cách mạng; Trẻ em dưới 6 tuổi; chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (lương tối thiểu chung) và KCB tại tuyến xã; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn.

+  Chi phí cho một lần KCB thấp hơn mức do Chính phủ quy định và KCB tại tuyến xã.

+ Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến.

- Hưởng 95% đối với đối tượng người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; Thân nhân người có công với cách mạng

- Hưởng 80% chi phí KCB đối với các đối tượng khác.

2.2. Khám bệnh trái tuyến

- Hưởng 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương.

- Hưởng 60% chi phí điều trị nội trú từ 01/01/2015 đến 31/12/2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ 01/01/2021 trong phạm vi cả nước tại bệnh viện tuyến tỉnh;

- Hưởng 70% chi phí KCB từ 01/01/2015 đến 31/12/2015; 100% chi phí KCB từ 01/01/2016 tại bệnh viện tuyến huyện.

Như vậy, trường hợp điều trị ngoại trú vượt tuyến sẽ không được hưởng BHYT.

Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và được hưởng BHYT như đúng tuyến.

Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng theo đúng tuyến

2.3. Khám bệnh theo trường hợp chuyển tuyến

Người tham gia BHYT khi đi KCB chuyển tuyến điều trị, có hồ sơ chuyển viện của cơ sở KCB hợp lệ thì:

- Hưởng 100% đối với các trường hợp:

+ Người có công với cách mạng, cựu chiến binh; Trẻ em dưới 6 tuổi; Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng; Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ.

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; trẻ em dưới 6 tuổi;

+ Chi phí KCB tại tuyến xã;

+ Chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở;

+ Người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến;

- Hưởng 95% chi phí KCB đối với Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; Người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

- Hưởng 80% chi phí KCB đối với các đối tượng khác.

3. Kiểm tra thông tin trên thẻ BHYT

Với thẻ BHYT trên tay, các bạn có thể dễ dàng nhận biết rằng mình sẽ thuộc trường hợp được hưởng mức BHYT bao nhiêu %.

Xem thêm tại bài viết Nhìn vào thẻ BHYT, sẽ biết ngay mức hưởng BHYT là bao nhiêu %

4. Các trường hợp không được hưởng BHYT

- Chi phí trong trường hợp đã được ngân sách nhà nước chi trả;

- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng;

- Khám sức khỏe;

- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị;

- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ;

- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ;

- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi;

- Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong KCB và phục hồi chức năng;

- KCB, phục hồi chức năng trong trường hợp thảm họa;

- KCB nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác;

- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;

- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.

Nội dung nêu trên được căn cứ vào Luật BHYT 2008, Luật BHYT sửa đổi 2014, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC.

Hân Nguyễn

Chia sẻ bài viết lên facebook 16,401

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079