Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin được giải đáp như sau:
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và Khoản 2 Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về giải quyết hưởng chế độ thai sản: “Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc”.
Điều này có nghĩa sau khi sinh, người lao động có thể nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động mà không cần đợi đến ngày đi làm lại. Như vậy, chị Đỗ Loan Trang có thể nộp hồ sơ ngay bây giờ cho Nhà trường để Nhà trường sớm làm thủ tục và chị nhanh chóng nhận được tiền thai sản; chị không cần đợi đến khi đi dạy lại mới nộp hồ sơ.
Hiện nay, rất nhiều người hiểu nhầm về quy định thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản, và cho rằng khi đi làm lại mới được phép nộp hồ sơ; dẫn đến người lao động chậm nhận được tiền thai sản, nhiều người gặp khó khăn trong thời gian nghỉ thai sản vì thiếu tiền chi tiêu. Rất mong người sử dụng lao động phổ biến quy định này cho người lao động tại đơn vị mình hiểu rõ nhằm giúp mọi người đảm bảo được tốt nhất quyền lợi cho mình – Đây là ý kiến của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Việc quy định “không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc” được hiểu là thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ là ngày 45 tính từ lúc đi làm lại; pháp luật không cấm người lao động nộp hồ sơ sớm, miễn có bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con là có thể nộp hồ sơ ngay để sớm nhận tiền thai sản.
Lưu ý: Sau khi chị Đỗ Loan Trang nộp đủ hồ sơ cho Nhà trường, trong thời hạn 10 ngày Nhà trường có trách nhiệm lập và nộp lại hồ sơ theo quy định cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết, tổ chức chi trả chế độ thai sản cho chị.
Tường Vy