Với tin này, nhiều người nhầm tưởng rằng từ trước đến giờ người dân không được quyền ghi âm, ghi hình Cảnh sát giao thông mà mãi đến khi Thông tư 67/2019/TT-BCA có hiệu lực thi hành (từ ngày 15/01/2020) mới thực hiện được quyền này.
Về nguyên tắc, “Người dân được làm những gì pháp luật không cấm”, từ trước đến nay chưa có quy định pháp luật nào cấm người dân giám sát Cảnh sát giao thông bằng hình thức ghi âm, ghi hình. Bởi vậy, trong việc thực hiện vai trò giám sát của mình, người dân hoàn toàn được quyền ghi âm, ghi hình Cảnh sát giao thông.
File excel kiểm tra mức phạt với lỗi về nồng độ cồn |
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Trước đây, vào ngày 26/4/2013, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt đã ban hành văn bản số 1042/C67-P3, trong đó, tại điểm 2 của văn bản này cấm “người dân quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép đồng ý của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ”. Rõ ràng, nội dung này là trái với quy định của pháp luật, nên ngày 23/8/2013, Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt đã có văn bản số 2315/C67-P6 hủy điểm 2 của văn bản số 1042.
Đồng thời văn bản số 2315 nêu rõ “Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường phối hợp cơ quan báo, đài để tuyên truyền pháp luật, các hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cảnh sát giao thông; tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân tham gia xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông. Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của cảnh sát giao thông thì thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định”.
Như vậy, văn bản số 2315 ngày 23/8/2013 đã chính thức khẳng định một cách rõ ràng, người dân được quyền quay phim, chụp ảnh (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh) cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ; không ai được phép ngăn cản quyền hợp pháp này của người dân.
“Hiện hành, pháp luật không có quy định nào cấm người dân ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Như vậy, theo nguyên tắc chung “người dân được làm những gì pháp luật không cấm” nên người dân có quyền ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp việc ghi âm, ghi hình của người dân làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cảnh sát giao thông nên tại Thông tư 67/2019, Bộ Công an đã quy định cụ thể về việc giám sát của Nhân dân thông qua ghi âm, ghi hình cảnh sát giao thông phải đảm bảo các điều kiện nhất định. Quy định mới này đảm bảo quyền giám sát của Nhân dân mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cảnh sát giao thông.” – Đây là nhận định của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Còn việc Thông tư 67/2019, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/01/2020 tới đây, chỉ là hướng dẫn rõ hơn về việc giám sát của Nhân dân đối với hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của cảnh sát giao thông nhằm mọi việc được diễn ra công khai, minh bạch, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Nên việc các trang mạng cho rằng tới ngày 15/01/2020, người dân mới được phép quay phim Cảnh sát giao thông, thì đó hoàn toàn là thông tin sai sự thật.
Hữu Phạm