Quy định về chứng thực sơ yếu lý lịch (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Điều 15 Thông tư 01/2020/TT-BTP thì "Các quy định về chứng thực chữ ký tại Mục 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP được áp dụng để chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch cá nhân"; cụ thể:
- Người thực hiện chứng thực không ghi bất kỳ nhận xét gì vào tờ khai lý lịch cá nhân, chỉ ghi lời chứng chứng thực theo mẫu.
- Đối với những mục không có nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân thì phải gạch chéo trước khi yêu cầu chứng thực.
- Người yêu cầu chứng thực phải chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung trong tờ khai lý lịch cá nhân của mình.
Điều này có nghĩa người thực hiện chứng thực chỉ chứng nhận chữ ký trên Sơ yếu lý lịch là của người yêu cầu chứng thực, còn không chịu trách nhiệm về nội dung trên Sơ yếu lý lịch.
Vì vậy, người có yêu cầu chứng thực có thể lựa chọn những nơi sau để yêu cầu chứng thực chữ ký trên Sơ yếu lý lịch theo quy định về thẩm quyền chứng thực chữ ký tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP miễn thuận tiện :
1. Ra bất kỳ UBND phường, xã hoặc Phòng tư pháp cấp huyện nào (không bắt buộc phải là nơi có hộ khẩu thường trú).
2. Ra bất kỳ Phòng công chứng/Văn phòng công chứng nào.
3. Ra Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (đối với người đang ở nước ngoài).
“Thực tế tại nhiều địa phương, khi chứng thực chữ ký trên tờ khai lý lịch của người dân, cán bộ xã đã tự ý thêm vào những đoạn nhận xét về chấp hành chủ trương, pháp luật, chính sách, quy định... của Đảng, Nhà nước, địa phương. Điều này là trái quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, vì vậy người dân cần nắm rõ quy định này để đảm bảo quyền lợi cho chính mình. ” – Đây là chia sẻ của Luật gia Bùi Tường Vũ, Giám đốc THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Điều 24 Nghị định 23/2015 quy định, người yêu cầu chứng thực chữ ký cần chuẩn bị:
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực CMND/CCCD/Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
- Sơ yếu lý lịch mình sẽ ký và yêu cầu chứng thực.
Quý Nguyễn