Khi nào cơ quan điều tra được quyền bí mật ghi âm, nghe điện thoại?

05/12/2020 10:33 AM

Bí mật ghi âm, nghe điện thoại là một trong những biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt mà không phải lúc nào cơ quan điều tra cũng được quyền áp dụng.

Bí mật ghi hình

Khi nào cơ quan điều tra được quyền bí mật ghi âm, nghe điện thoại? (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm:

- Ghi âm, ghi hình bí mật;

- Nghe điện thoại bí mật;

- Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Thời điểm và trường hợp được phép áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với các trường hợp sau:

- Tội xâm phạm an ninh quốc gia;

- Tội phạm về ma túy;

- Tội phạm về tham nhũng;

- Tội khủng bố;

- Tội rửa tiền;

- Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thông tin thu thập từ biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt sẽ được dùng vào những việc gì?

- Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự và có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án.

- Thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời; ngoài ra, nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được vào mục đích khác.

Thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt

- Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên phải có hồ sơ đề nghị Viện trưởng VKS cùng cấp phê chuẩn quyết định áp dụng.

- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phải ra quyết định phê chuẩn hoặc không phê chuẩn hoặc có văn bản yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng.

Đặc biệt:

Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực thụ lý, điều tra mà thấy cần thiết và có căn cứ áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực trao đổi với Viện trưởng Viện VKSND cấp huyện, Viện trưởng VKS quân sự khu vực về căn cứ và biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể áp dụng. Đồng thời, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự khu vực có văn bản kèm theo hồ sơ đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu ra quyết định áp dụng.

Như vậy, cơ quan điều tra chỉ được áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt như ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật trong một số các loại tội phạm và phải được VKS phê chuẩn theo quy định.

Căn cứ pháp Lý:

-  Điều 223 và Điều 224 Bộ luật Tố tụng hình s 2015;

- Khoản 1, 2, 4 Điều 25 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018.

Thùy Liên 

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,940

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079