03 lỗi vi phạm thường gặp về đèn giao thông vì “ngộ nhận” luật

13/05/2021 14:10 PM

Vẫn còn rất nhiều người hiểu không đúng quy định pháp luật về tín hiệu đèn giao thông dẫn đến bị phạt oan. Bài viết dưới đây sẽ nêu ra những ngộ nhận thường xuyên thắc phải về tín hiệu đèn giao thông.

03 lỗi vi phạm thường gặp về đèn giao thông vì “ngộ nhận” luật (ảnh minh họa)

Đèn đỏ có được rẽ phải không?

Theo điểm b khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì tín hiệu đỏ là cấm đi. Tuy nhiên khi có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép người tham gia giao thông được phép rẽ phải khi có đèn đỏ khi:

- Có đèn tín hiệu màu xanh được lắp đặt kèm theo báo hiệu được ưu tiên rẽ. Đây thường là một đèn phụ, hình mũi tên màu xanh được lắp phía dưới cột đèn giao thông.

- Có biển báo giao thông, thường là biển phụ được đặt dưới cột đèn giao thông cho phép các xe được rẽ khi đèn đỏ.

Với lỗi rẽ phải khi đèn đỏ, người vi phạm sẽ bị phạt về lỗi không chấp hành hiệu lệnh cuỷa tín hiệu đèn giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Tại ngã 3, khi tín hiệu đèn đỏ có được phép đi thẳng?

Theo điểm b khoản 3 Điều 10 Luật giao thông đường bộ thì tín hiệu đỏ là cấm đi. Như vậy, người tham gia giao thông khi gặp đèn đỏ không được đi thẳng; trừ trường hợp những nơi có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép người tham gia giao thông được phép đi thẳng.

Đối với trường hợp không có đèn tín hiệu hoặc biển báo cho phép người tham gia giao thông được phép đi thẳng mà người tham gia giao thông đi thẳng khi đèn đỏ sẽ bị xử phạt về lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Đèn vàng có được phép đi?

Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt về lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Mức phạt lỗi vượt đèn đỏ, đèn vàng

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định chi tiết về mức phạt khi vượt đèn đỏ, đèn vàng như sau:

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm e, khoản 4 và Điểm b Khoản 10 Điều 6).

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm a Khoản 5, Điểm b, c Khoản 11 Điều 5 ).

- Đối máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 4 tháng nếu gây tai nạn (Điểm đ Khoản 5; Điểm a, b Khoản 10 Điều 7).

Trung Tài

Chia sẻ bài viết lên facebook 13,714

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079