Đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động được gọi là lao động tự do và Chính phủ cho phép các địa phương căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng.
Như vậy, ở mỗi địa phương sẽ xác định tiêu chí đối tượng cụ thể là ai được hỗ trợ chứ không phải tất cả lao động tự do sẽ được hỗ trợ.
Ví dụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, tại đợt hỗ trợ theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND ngày 25/6/2021 mới đây thì chỉ những đối tượng lao động tư do có đủ các điều kiện sau đây mới được hỗ trợ:
- Cư trú hợp pháp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận).
- Bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4.000.000 đồng/tháng (mức chuẩn cận nghèo của thành phố giai đoạn 2021-2025).
- Làm một trong sáu loại công việc sau:
+ Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố;
+ Thu gom rác, phế liệu;
+ Bốc vác, vận chuyển hàng hóa;
+ Bán vé số lưu động;
+ Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ);
+ Làm công việc thuộc một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30 tháng 5 năm 2021.
Hay tại Đồng Nai, theo Quyết định 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 thì lao động tự do có đủ điều kiện sau sẽ được hỗ trợ:
- Cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- Bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 1.500.000 đồng/tháng đối với khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/tháng đối với khu vực thành thị (mức chuẩn nghèo của quốc gia giai đoạn 2021 - 2025)
- Làm một trong các công việc sau:
+ Thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa.
+ Lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 02 bánh.
+ Bán lẻ vé số lưu động, bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định.
+ Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non.
+ Tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực: Ăn uống, lưu trú, du lịch, cơ sở làm đẹp (cắt - uốn tóc, nail); lao động làm việc tại các cơ sở dịch vụ phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh từ ngày 01 tháng 5 năm 2021, gồm: Karaoke, quán bar, vũ trường, phòng trà, rạp chiếu phim, cơ sở massage, xông hơi, điểm kinh doanh trò chơi điện tử, phòng tập Gym, fitness, biliards, yoga.
Vì vậy để xác định mình có được hỗ trợ hay không phải xem địa phương bạn đang sinh sống có chính sách như thế nào, Chính phủ không có quy định chung.
Chính phủ cho phép các địa phương tự quy định mức hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Có thể lấy ví dụ:
- Tại Hà Nội, Mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người/lần theo Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021.
- Tại Đồng Nai, mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người đối với người lao động có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên (chỉ hỗ trợ 01 lần/người) theo Quyết định 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021.
Thủ tục nhận hỗ trợ sẽ thực hiện theo hướng dẫn của từng địa phương:
Ví dụ, tại Đồng Nai, NLĐ gửi đơn đề nghị đến Ủy ban nhân dân cấp xã trước ngày 31 tháng 12 năm 2021. Trường hợp người lao động có nơi thường trú hoặc tạm trú không trong phạm vi tỉnh Đồng Nai phải cam kết không lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ tại nơi khác nơi người lao động đang thường trú, tạm trú.
- Trong 05 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 02 ngày làm việc; tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định (thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội).
- Trong 02 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân cấp huyện thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).
- Sau khi nhận đủ hồ sơ, trong 03 ngày làm việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chi trả hỗ trợ trong 03 ngày làm việc.
Vì vậy, lao động tự do nếu chưa nhận được tuyên truyền hay thông báo về việc này hãy chủ động liên hệ với địa phương để biết các chính sách và thực hiện thủ tục theo hướng dẫn.
Quý Nguyễn