Bán bánh kẹo, thực phẩm giả dịp Tết bị xử lý ra sao?

14/01/2022 15:29 PM

Dịp Tết 2022, nhu cầu tiêu thụ các loại bánh kẹo, thực phẩm tăng cao. Đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng lợi dụng đưa hàng giả vào thị trường. Vậy hành vi buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả dịp Tết bị xử lý như thế nào?

Bán bánh kẹo, thực phẩm giả dịp Tết bị xử lý ra sao?

Bán bánh kẹo, thực phẩm giả dịp Tết bị xử lý ra sao? (ảnh minh họa)

Mức phạt hành chính với hành vi buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả

Theo điểm đ khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa được xem là một trong các loại hàng giả.

Mức phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa được quy định tại Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, mức phạt tiền sẽ gấp hai lần các mức tiền phạt quy định nêu trên.

Theo điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.

Như vậy, hành vi buôn bánh kẹo, lương thực, thực phẩm giả mạo nhãn dán, bao bì tùy vào mức độ vi phạm, số tiền phạt có thể lên đến 200.000.000 đồng.

Những trường hợp buôn bán bánh kẹo, thực phẩm giả bị truy cứu TNHS

Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Theo đó:

- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

- Tùy theo mức độ vi phạm, mức phạt tù có thể lên đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

- Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm hoặc tịch thu tài sản.

- Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, Điều 193 quy định mức phạt cao nhất là phạt tiền  đến 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Đồng thời còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như Mai

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,048

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079