Chống bán phá giá là gì? Các biện pháp chống bán phá giá tại Việt Nam

09/05/2022 16:13 PM

Để ngăn chặn hành vi bán phá giá nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho thị trường XNK tại Việt Nam, nhà nước áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Vậy, chống bán phá giá là gì? Các biện pháp chống bán phá giá tại Việt Nam được quy định như thế nào?

Chống bán phá giá là gì? Các biện pháp chống bán phá giá tại Việt Nam

Chống bán phá giá là gì? Các biện pháp chống bán phá giá tại Việt Nam (Ảnh minh họa)

1. Chống bán phá giá là gì?

Bán phá giá là một khái niệm cơ bản của thương mại quốc tế, được hiểu là việc bán sản phẩm ra nước ngoài với giá thấp hơn giá thông thường của nó, mà trong hầu hết các trường hợp là giá tại thị trường nội địa của nhà xuất khẩu.

Theo đó, chống bán phá giá là một trong các biện pháp phòng vệ thương mại được nhà nước áp dụng nhằm đối phó với những ảnh hưởng xấu của các sản phẩm được bán phá giá trong thị trường. Một biện pháp thường được áp dụng nhất là đánh thuế nhằm phá bỏ lợi thế về giá “không công bằng” của những sản phẩm này.

Trong đó, tại khoản 1 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định biện pháp chống bán phá giá là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

2. Các biện pháp chống bán phá giá tại Việt Nam

Tại khoản 2 Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương 2017, các biện pháp chống bán phá giá bao gồm:

(1) Áp dụng thuế chống bán phá giá

Thuế chống bán phá giá là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá:

- Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể;

- Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

(Điều 4, 12 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016)

(2) Cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được Cơ quan điều tra chấp thuận.

3. Áp dụng biện pháp chống bán phá giá

3.1. Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017, sau đây:

- Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017;

- Ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước;

- Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định tại điểm b khoản 1 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 78 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định: không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam.

Đồng thời, trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ một nước có khối lượng hoặc số lượng không vượt quá 3% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam và tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa có xuất xứ từ các nước đáp ứng điều kiện trên không vượt quá 7% tổng khối lượng hoặc số lượng hàng hóa tương tự nhập khẩu vào Việt Nam thì các nước này được loại khỏi phạm vi áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

3.2. Trình tự áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Theo Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định trình tự áp dụng biện pháp chống bán phá giá như sau:

Bước 1: Áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời

- Việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định căn cứ vào kết luận sơ bộ của Cơ quan điều tra. 

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.

- Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là không quá 120 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực. 

Khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa tương tự vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nhưng không quá 60 ngày.

Bước 2: Áp dụng biện pháp cam kết

- Sau khi có kết luận sơ bộ và trước khi kết thúc điều tra, nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra có thể đưa ra cam kết với Cơ quan điều tra về việc tự nguyện điều chỉnh giá bán hoặc tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu vào Việt Nam;

- Cơ quan điều tra có thể chấp nhận, không chấp nhận hoặc đề nghị điều chỉnh nội dung cam kết trên cơ sở lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Bước 3: Áp dụng thuế chống bán phá giá 

- Trường hợp không đạt được cam kết tại bước 2, sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra quy định tại Điều 80 của Luật Quản lý ngoại thương 2017. Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra;

- Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá;

- Mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng;

- Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là không quá 05 năm kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Quản lý ngoại thương 2017.

Bước 4: Áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực

- Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;

- Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

>>> Xem thêm: Những sản phẩm vật liệu hàn nào được áp dụng thuế chống bán phá giá? Thủ tục khai thuế chống bán phá giá thực hiện như thế nào?

Thủ tục khai báo thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm vật liệu hàn theo quy định mới nhất?

Từ ngày 08/05/2022, Việt Nam có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với các nước thành viên Hiệp định RCEP như thế nào?

 

Xuân Thảo

Chia sẻ bài viết lên facebook 59,070

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079