Cử tuyển là gì? Quy trình tuyển sinh theo chế độ cử tuyển

16/09/2022 09:30 AM

Cử tuyển là gì? Quy trình tuyển sinh theo chế độ cử tuyển được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào? - Thanh Hoa (Đà Nẵng)

Cử tuyển là gì? Quy trình tuyển sinh theo chế độ cử tuyển

Cử tuyển là gì? Quy trình tuyển sinh theo chế độ cử tuyển

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Cử tuyển là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 141/2020/NĐ-CP thì cử tuyển là việc tuyển sinh qua phương thức xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp đối với người học được quy định như sau:

- Người dân tộc thiểu số rất ít người.

- Người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

2. Tiêu chuẩn tuyển sinh theo chế độ cử tuyển

Tiêu chuẩn tuyển sinh theo chế độ cử tuyển theo Điều 6 Nghị định 141/2020/NĐ-CP quy định như sau:

(1) Tiêu chuẩn chung

- Thường trú từ 05 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi (hoặc có một trong hai bên là cha đẻ hoặc mẹ đẻ, cha nuôi hoặc mẹ nuôi), người trực tiếp nuôi dưỡng sống tại vùng này;

- Đạt các tiêu chuẩn sơ tuyển đối với các ngành, nghề có yêu cầu sơ tuyển;

- Không quá 22 tuổi tính đến năm tuyển sinh, có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành.

(2) Ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại (1) mục này, người học, được cử tuyển vào đại học phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau:

- Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt;

- Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại khá trở lên;

- Có thời gian học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

(3) Ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại (l) mục này, người học được cử tuyển vào cao đẳng phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau:

- Tốt nghiệp trung học phổ thông;

- Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học trung học phổ thông đạt loại tốt;

- Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại trung bình trở lên;

- Có thời gian học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

(4) Ngoài tiêu chuẩn chung quy định tại (1) mục này, người học được cử tuyển vào trung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể sau:

- Tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông;

- Xếp loại hạnh kiểm các năm học của cấp học cuối đạt loại khá trở lên;

- Xếp loại học lực năm cuối cấp đạt loại trung bình trở lên;

- Có thời gian học đủ 04 năm học và tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc học đủ 03 năm học và tốt nghiệp trung học phổ thông tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo quy định hoặc tại trường phổ thông dân tộc nội trú.

(5) Ưu tiên trong tuyển sinh cử tuyển:

Người học đạt đủ các tiêu chuẩn tuyển sinh cử tuyển quy định tại (1), (2), (3) và (4) mục này nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì được ưu tiên trong cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp theo thứ tự:

- Con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh;

- Học tại trường phổ thông dân tộc nội trú;

- Trúng tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp tại năm xét đi học cử tuyển;

- Đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên;

- Trường hợp người học thuộc đối tượng được hưởng nhiều ưu tiên đồng thời thì chỉ được hưởng một ưu tiên cao nhất trong tuyển sinh cử tuyển.

3. Quy trình tuyển sinh theo chế độ cử tuyển

Quy trình tuyển sinh theo chế độ cử tuyển được quy định tại Điều 8 Nghị định 141/2020/NĐ-CP như sau:

- Thông báo kế hoạch cử tuyển:

Căn cứ chỉ tiêu cử tuyển được giao, UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch cử tuyển và phải đăng thông báo công khai ít nhất 02 lần trên các phương tiện thông tin đại chúng của cấp tỉnh, huyện và xã là báo in hoặc báo điện tử hoặc báo nói hoặc báo hình; 

Đồng thời đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Nội dung thông báo kế hoạch cử tuyển gồm:

+ Đối tượng, tiêu chuẩn, chỉ tiêu cử tuyển;

+ Vị trí việc làm cho từng chỉ tiêu;

+ Thời hạn, địa điểm, phương thức tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển học theo chế độ cử tuyển, số điện thoại của bộ phận được phân công trực tiếp nhận hồ sơ.

- Người đăng ký xét tuyển học theo chế độ cử tuyển nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc qua cổng dịch vụ công cấp tỉnh hoặc Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

- Hồ sơ đăng ký xét tuyển học theo chế độ cử tuyển gồm:

+ Đơn đăng ký xét tuyển học theo chế độ cử tuyển theo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Nghị định 141/2020/NĐ-CP;

Mẫu số 02

+ Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính giấy khai sinh;

+ Sơ yếu lý lịch theo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Nghị định 141/2020/NĐ-CP;

Mẫu số 03

+ Giấy chứng nhận con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh; người được hưởng chính sách như thương binh (nếu có);

+ Hai ảnh chân dung (cỡ 4x6cm) chụp trong vòng 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

+ Một phong bì có dán tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của người đăng ký học theo chế độ cử tuyển.

- Thời hạn nhận hồ sơ của người đăng ký xét tuyển học theo chế độ cử tuyển là 30 ngày kể từ ngày thông báo kế hoạch cử tuyển công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày xét tuyển, hội đồng cử tuyển phải lập danh sách người có đủ tiêu chuẩn dự tuyển học theo chế độ cử tuyển và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Thành lập hội đồng cử tuyển: 

+ Hội đồng cử tuyển (sau đây gọi tắt là hội đồng) do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập, giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh tuyển sinh cử tuyển;

+ Thành phần hội đồng gồm:

++ Chủ tịch hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

++ Phó Chủ tịch thường trực hội đồng là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo;

++ Phó Chủ tịch hội đồng là Giám đốc Sở Nội vụ và Trưởng ban Dân tộc tỉnh;

++ Các thành viên khác gồm: Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ban, ngành có liên quan đến lĩnh vực dự kiến xét tuyển, Mặt trận Tổ quốc tỉnh;

+ Nhiệm vụ của hội đồng: thẩm định hồ sơ, xét chọn và đề xuất danh sách người đủ tiêu chuẩn đi học theo chế độ cử tuyển theo chỉ tiêu được giao. Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách người được cử đi học theo chế độ cử tuyển;

+ Nguyên tắc làm việc của hội đồng: hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Trường hợp số ý kiến bằng nhau thì quyết định theo ý kiến của Chủ tịch hội đồng;

+ Thông báo kết quả xét duyệt: chậm nhất là 05 ngày làm việc sau ngày xét tuyển, hội đồng cử tuyển phải trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt danh sách người trúng tuyển đi học theo chế độ cử tuyển.

Hội đồng thông báo công khai kết quả xét duyệt cử tuyển ngay sau khi được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 26,046

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079