Tín dụng tiêu dùng là gì? Điều kiện hoạt động tín dụng tiêu dùng
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP, tín dụng tiêu dùng là hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân bằng nghiệp vụ cho vay bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng.
Cụ thể công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là công ty tài chính chuyên ngành, hoạt động chính trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng theo quy định Nghị định 39/2014/NĐ-CP.
(Khoản 6 Điều 3 Nghị định 39/2014/NĐ-CP)
Điều kiện hoạt động tín dụng tiêu dùng đối với công ty tài chính tiêu dùng được quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 39/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Các điều kiện quy định tại Điều 9 và/hoặc Điều 12 Nghị định 39/2014/NĐ-CP
- Công ty tài chính được cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 39/2014/NĐ-CP. Điều kiện cụ thể bao gồm:
+ Có đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, công nghệ, phương tiện, thiết bị và các quy định nội bộ theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động ngân hàng được ghi trong Giấy phép.
+ Đáp ứng đầy đủ các điều kiện nghiệp vụ đối với hoạt động ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước quy định.
- Công ty tài chính được phát hành thẻ tín dụng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 39/2014/NĐ-CP.
Đối với công ty tài chính được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định 39/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành được bổ sung hoạt động phát hành thẻ tín dụng khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 39/2014/NĐ-CP và các điều kiện sau:
+ Các điều kiện quy định tại Điểm c, d, đ Khoản 2 Điều 11 Nghị định 39/2014/NĐ-CP. Điều kiện cụ thể như sau:
++ Tuân thủ các quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro liên tục trong tất cả các quý của năm liền kề trước năm đề nghị được bổ sung hoạt động;
++ Tỷ lệ nợ xấu dưới mức quy định của Ngân hàng Nhà nước;
++ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong thời hạn 01 năm liền kề tính từ thời điểm đề nghị bổ sung hoạt động trở về trước.
- Hoạt động kinh doanh có lãi liên tục ít nhất trong 02 năm liền kề trước năm đề nghị bổ sung hoạt động;
(2) Dư nợ tín dụng tiêu dùng tối thiểu chiếm 70% tổng dư nợ cấp tín dụng hoặc một tỷ lệ khác do Ngân hàng Nhà nước quy định trong từng thời kỳ.
Cụ thể theo khoản 4 Điều 15 Nghị định 39/2014/NĐ-CP, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng được thực hiện các hoạt động sau:
- Nhận tiền gửi của tổ chức;
- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác.
- Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức
- Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài
- Vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn
- Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng
- Phát hành thẻ tín dụng
(Theo Điểm a, e Khoản 1 Điều 108 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) và Điều 6, 7, 8, 9, 12 và Điều 14 Nghị định 39/2014/NĐ-CP)
Tuy nhiên, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng sẽ không được thực hiện các hoạt động sau:
- Bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mua bán trái phiếu doanh nghiệp;
- Tiếp nhận vốn ủy thác của Chính phủ, tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh;
- Ủy thác vốn cho tổ chức tín dụng khác thực hiện cấp tín dụng.
(Theo Điểm a, b và c Khoản 2 Điều 15 Nghị định 39/2014/NĐ-CP)