Quy định về pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

29/09/2022 08:35 AM

Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là gì và được quy định như thế nào? - Trúc Giang (Bình Định)

Quy định về pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

Quy định về pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật  (Hình từ internet)

1. Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là gì?

Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển.

(Khoản 1 Điều 2 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật 2012)

2. Thẩm quyền thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

Thẩm quyền thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được quy định tại Điều 4 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật 2012 như sau:

- Bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

- Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của mình.

- Văn phòng Quốc hội thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành điều chỉnh những vấn đề không thuộc thẩm quyền thực hiện pháp điển của Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

- Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện pháp điển đối với quy phạm pháp luật trong văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước ban hành không thuộc thẩm quyền thực hiện pháp điển của Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

3. Quy định về Bộ pháp điển

3.1. Cấu trúc của Bộ pháp điển

- Bộ pháp điển được cấu trúc theo các chủ đề. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Trong đề mục, tùy theo nội dung có thể có phần, chương, mục, điều, khoản, điểm.

- Trong Bộ pháp điển, đề mục, phần, chương, mục, điều, khoản, điểm được đánh số thứ tự, trường hợp có liên quan đến nội dung khác của Bộ pháp điển thì phải được chỉ dẫn.

Các điều trong Bộ pháp điển được ký hiệu để phân biệt hình thức văn bản quy phạm pháp luật và được ghi chú để nhận biết điều của văn bản quy phạm pháp luật được pháp điển.

3.2. Chủ đề trong Bộ pháp điển

- Chủ đề là bộ phận cấu thành của Bộ pháp điển, trong đó chứa đựng quy phạm pháp luật điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực.

- Bộ pháp điển gồm 45 chủ đề theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật 2012.

- Trường hợp có văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội chưa thuộc các chủ đề đã có trong Bộ pháp điển thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự mình hoặc theo đề xuất của cơ quan thực hiện pháp điển đề nghị Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề.

- Chủ đề bổ sung được sắp xếp và đánh số thứ tự kế tiếp sau chủ đề cuối cùng đã có trong Bộ pháp điển.

(Điều 7 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật 2012, Điều 1 Nghị định 63/2013/NĐ-CP)

3.3. Pháp điển theo đề mục

Đề mục là bộ phận cấu thành chủ đề, trong đó chứa đựng quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định.

Việc pháp điển theo đề mục được thực hiện như sau:

- Xây dựng cấu trúc của đề mục dựa theo cấu trúc của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội thuộc nội dung của đề mục; trường hợp cần thiết, cơ quan thực hiện pháp điển có thể bổ sung phần, chương, mục vào cấu trúc của đề mục;

- Thu thập, phân loại các văn bản quy phạm pháp luật thuộc nội dung của đề mục; rà soát để loại bỏ các nội dung không chứa quy phạm pháp luật hoặc đã hết hiệu lực; phát hiện các các quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tế để xử lý theo thẩm quyền;

- Tập hợp các quy phạm pháp luật còn hiệu lực và sắp xếp theo thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật được pháp điển từ cao xuống thấp; các quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành được sắp xếp ngay sau các quy phạm pháp luật được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Cơ quan thực hiện pháp điển kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý đối với những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp với thực tế.

(Điều 9 Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật 2012)

Diễm My

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,712

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079