Tập quán là gì? Một số quy định áp dụng tập quán theo Bộ luật Dân sự

13/10/2022 14:01 PM

Trong luật dân sự thường nhắc tới khái niệm tập quán. Vậy tập quán là gì và điều kiện áp dụng tập quán được quy định như thế nào? – Thúy Liễu (Bến Tre).

Tập quán là gì? Một số quy định áp dụng tập quán theo Bộ luật Dân sự

Tập quán là gì? Một số quy định áp dụng tập quán theo Bộ luật Dân sự (Hình từ internet)

Tập quán là gì? Điều kiện áp dụng tập quán theo Bộ luật Dân sự

Tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 có định nghĩa về tập quán như sau:

Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự.

Cũng theo Bộ luật Dân sự, trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

Một số quy định về áp dụng tập quán trong Bộ luật Dân sự

Trong Bộ luật Dân sự quy định một số nội dung liên quan đến việc áp dụng tập quán. Cụ thể:

- Trường hợp áp dụng tập quán để xác định họ của con (Điều 26) đã ghi nhận:

“2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán.”

- Trường hợp áp dụng tập quán để xác định, xác định lại dân tộc (Điều 29) ghi nhận:

2. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn.

- Trường hợp áp dụng tập quán để bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và thừa kế, cụ thể tại Khoản 4, Điều 603 về việc quy định bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:

“Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

- Trường hợp áp dụng tập quán để xác định ranh giới giữa các bất động sản (Điều 175):

“1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.”

- Tập quán trong xác lập quyền sở hữu chung (Điều 208)

Quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.

- Tập quán trong sở hữu chung của cộng đồng (Điều 211).

Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thỏa thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Tập quán trong xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc (Điều 231).

Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.

- Tập quán trong hụi (Điều 471).

Họ, hụi, biêu, phường là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

- Trả tiền thuê trong hợp đồng thuê tài sản (Điều 481).

Bên thuê phải trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả tiền thuê thì thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi trả tiền; nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê.

- Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra (Điều 603).

Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 39,486

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079