Thiết kế cơ sở là gì? Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

20/10/2022 10:00 AM

Việc thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được quy định thế nào? - Cẩm Trang (Tây Ninh)

Thiết kế cơ sở là gì? Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

Thiết kế cơ sở là gì? Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thiết kế cơ sở là gì?

Theo khoản 41 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), thiết kế cơ sở là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.

2. Nội dung của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

Cụ thể tại Điều 80 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), nội dung chủ yếu của thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở bao gồm:

- Phương án kiến trúc.

- Phương án công nghệ (nếu có).

- Công năng sử dụng.

- Thời hạn sử dụng và quy trình vận hành, bảo trì công trình.

- Phương án kết cấu, loại vật liệu chủ yếu.

- Chỉ dẫn kỹ thuật.

- Phương án phòng, chống cháy, nổ.

- Phương án sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

- Giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Dự toán xây dựng phù hợp với bước thiết kế xây dựng.

3. Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở

3.1. Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư

Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư được quy định tại Điều 83 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), cụ thể như sau:

(1) Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, chủ đầu tư thẩm định các nội dung sau:

- Sự đáp ứng yêu cầu của thiết kế xây dựng với nhiệm vụ thiết kế, quy định tại hợp đồng thiết kế và quy định của pháp luật có liên quan;

- Sự phù hợp của thiết kế xây dựng với yêu cầu về dây chuyền và thiết bị công nghệ (nếu có);

- Việc lập dự toán xây dựng công trình; sự phù hợp của giá trị dự toán xây dựng công trình với giá trị tổng mức đầu tư xây dựng; xác định giá trị dự toán xây dựng công trình.

(2) Đối với công trình xây dựng thuộc dự án PPP, nội dung thẩm định thiết kế xây dựng được thực hiện theo quy định tại (1) và các nội dung quy định tại hợp đồng dự án PPP.

(3) Đối với công trình xây dựng quy định tại khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 83a Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), chủ đầu tư căn cứ nội dung quy định tại (1) và khoản 2 Điều 83a Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) để tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng.

(4) Đối với công trình xây dựng không thuộc quy định tại (1), (2), (3), chủ đầu tư quyết định nội dung thẩm định bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế, hợp đồng thiết kế và quy định của pháp luật có liên quan.

3.2. Thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng

- Cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định bước thiết kế xây dựng quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) đối với các công trình xây dựng sau:

+ Công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công;

+ Công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công thuộc dự án có quy mô nhóm B trở lên hoặc công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng;

+ Công trình xây dựng thuộc dự án PPP;

+ Công trình xây dựng ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng sử dụng vốn khác được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

- Đối với công trình xây dựng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 83aLuật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) và công trình xây dựng thuộc dự án PPP thành phần sử dụng vốn đầu tư công, nội dung thẩm định thiết kế xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng gồm:

+ Sự tuân thủ quy định của pháp luật về lập, thẩm tra thiết kế xây dựng; điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế;

+ Sự phù hợp của thiết kế xây dựng với thiết kế cơ sở đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định;

+ Kiểm tra kết quả thẩm tra của tổ chức tư vấn về đáp ứng yêu cầu an toàn công trình, sự tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về áp dụng tiêu chuẩn trong thiết kế đối với trường hợp yêu cầu phải thẩm tra thiết kế theo quy định tại khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020);

+ Sự tuân thủ quy định của pháp luật về việc xác định dự toán xây dựng;

+ Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường;

+ Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Đối với công trình xây dựng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 83a Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020) và công trình xây dựng thuộc dự án PPP không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 83a Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020), cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 2 Điều 83a Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020).

(Điều 83a Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi 2020))

Chia sẻ bài viết lên facebook 99,647

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079