Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự

26/10/2022 07:40 AM

Người có hành vi làm nhục người khác thì sẽ bị xử lý thế nào theo Bộ luật Hình sự? – Hồng Hoa (Đồng Nai).

Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự

Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự

Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội làm nhục người khác như sau:

- Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Đối với 02 người trở lên;

+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

+ Đối với người đang thi hành công vụ;

+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên76;

+ Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2. Cấu thành tội phạm của tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự

**Mặt khách quan của tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự được thể hiện thông qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.

Các hành vi có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Chẳng hạn thể hiện bằng lời nói như: sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu…

Còn thể hiện qua hành động như: lột trần truồng nạn nhân, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, mắm tôm, trứng thối vào người khác,...

Lưu ý: Người phạm tội làm nhục người khác theo Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự.

**Khách thể của tội làm nhục người khác

Quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là một trong những quyền cơ bản của công dân. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo về về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự.

Khách thể của tội làm nhục người khác chính là danh dự, nhân phẩm của người họ.

**Mặt chủ quan của tội làm nhục người khác

Yếu tố lỗi của tội này là lỗi cố ý.

Người phạm tội biết rõ hành vi của mình xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội để hạ thấp danh dự, nhân phẩm người khác.

Động cơ, mục đích không phải dấu hiệu bắt buộc của tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.

**Chủ thể của tội làm nhục người khác

Chủ thể của tội làm nhục người khác là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Người từ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về hành vi này do không thuộc các trường hợp quy định tại Điểu 12 Bộ luật Hình sự.

Đối với tội làm nhục người khác, người có năng lực trách nhiệm hình sự là người có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi làm nhục người khác và có khả năng điều khiển hành vi này.

3. Làm nhục người khác trên mạng xã hội bị xử lý thế nào?

Hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội thì tuỳ theo mức độ và tính chất của hành vi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (như mục 2).

Về mức phạt hành chính đối với hành vi làm nhục người khác trên mạng xã hội thì theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP:

Cá nhân có thể bị xử phạt số tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 118,739

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079