Quy định điều chỉnh ranh giới khu kinh tế

24/12/2022 15:29 PM

Xin hỏi là đối với việc điều chỉnh ranh giới khu kinh tế thì được quy định thế nào? - Quốc Hưng (TP.HCM)

Quy định điều chỉnh ranh giới khu kinh tế (Hình từ Internet)

1. Việc điều chỉnh ranh giới khu kinh tế được hiểu thế nào?

Tại Điều 18 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về việc điều chỉnh ranh giới khu kinh tế như sau:

Điều chỉnh ranh giới khu kinh tế là điều chỉnh ranh giới địa lý của khu kinh tế đã được thành lập trên cùng một địa bàn cấp xã hoặc từ địa bàn thuộc các cấp xã này sang địa bàn thuộc các cấp xã khác tương ứng trên cùng các địa bàn cấp huyện nhưng tổng quy mô diện tích của khu kinh tế không thay đổi quá 10% và không thay đổi các địa bàn cấp huyện.

2. Trường hợp điều chỉnh ranh giới khu kinh tế

Việc điều chỉnh ranh giới khu kinh tế được thực hiện nếu thuộc một trong các trường hợp được khoản 2 Điều 18 Nghị định 35/2022/NĐ-CP sau đây:

- Do thay đổi của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch có liên quan làm ảnh hưởng đến phương hướng phát triển của khu kinh tế;

- Giảm quy mô diện tích của khu kinh tế so với quy mô diện tích của khu kinh tế đã được thành lập;

- Tăng quy mô diện tích của khu kinh tế so với quy mô diện tích của khu kinh tế đã được thành lập nhưng không quá 10% để bảo đảm không gian phát triển, tác động lan tỏa của các ngành, lĩnh vực được ưu tiên phát triển của khu kinh tế.

3. Hồ sơ điều chỉnh ranh giới khu kinh tế

Căn cứ Điều 19 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về hồ sơ điều chỉnh ranh giới khu kinh tế như sau:

(1) Đề án điều chỉnh ranh giới khu kinh tế của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm các nội dung sau đây:

- Căn cứ pháp lý, sự cần thiết và nội dung điều chỉnh ranh giới khu kinh tế;

- Đánh giá hiện trạng xây dựng và phát triển khu kinh tế đã được thành lập;

- Đánh giá và giải trình khả năng đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 14 và Điều 18 Nghị định 35/2022/NĐ-CP (kèm theo các tài liệu có liên quan);

- Dự kiến phương hướng phát triển của khu kinh tế sau khi điều chỉnh ranh giới gồm: mục tiêu phát triển, quy mô diện tích, tính chất, chức năng của khu kinh tế; phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực; định hướng phát triển không gian, các khu chức năng trong khu kinh tế;

Kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế;

- Kiến nghị các giải pháp và tổ chức thực hiện;

- Thể hiện phương án điều chỉnh ranh giới khu kinh tế trên bản đồ tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000.

(2) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị điều chỉnh ranh giới khu kinh tế.

(3) Hồ sơ được lập thành 10 bộ, trong đó có ít nhất 02 bộ hồ sơ gốc (01 bộ hồ sơ gốc trình Thủ tướng Chính phủ) và 09 bộ hồ sơ nộp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định theo quy định tại Điều 20 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

4. Thủ tục điều chỉnh ranh giới khu kinh tế

Tại Điều 20 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh ranh giới khu kinh tế như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ điều chỉnh ranh giới khu kinh tế

Bước 2:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ điều chỉnh ranh giới khu kinh tế theo quy định tại Điều 19 Nghị định 35/2022/NĐ-CP Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan.

Bước 3:

Trường hợp hồ sơ không đáp ứng quy định tại Điều 19 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo bằng văn bản để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung, sửa đổi hồ sơ.

Thời gian bổ sung, sửa đổi hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định.

Bước 4:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến thẩm định về nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bước 5:

Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm các nội dung quy định tại khoản 5 Điều 20 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức cuộc họp với cơ quan nhà nước có liên quan và UBND cấp tỉnh để làm rõ những vấn đề có liên quan.

Nội dung thẩm định việc điều chỉnh ranh giới khu kinh tế bao gồm:

- Căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc điều chỉnh ranh giới khu kinh tế;

- Đánh giá việc đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 14 và Điều 18 Nghị định 35/2022/NĐ-CP;

- Đánh giá phương hướng phát triển của khu kinh tế sau khi điều chỉnh ranh giới;

- Đánh giá các giải pháp và tổ chức thực hiện.

5. Thẩm quyền điều chỉnh ranh giới khu kinh tế

Tại Điều 21 Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về thẩm quyền thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu kinh tế như sau:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mở rộng, điều chỉnh ranh giới khu kinh tế.

- Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng. Quy mô diện tích, vị trí, tính chất của từng khu chức năng được xác định trong quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng.

- Trường hợp diện tích của khu kinh tế chênh lệch không quá 1% và không quá 200 ha so với quy mô diện tích của khu kinh tế đã được thành lập, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế mà không phải điều chỉnh ranh giới khu kinh tế.

Quy mô diện tích, ranh giới và vị trí của khu kinh tế thực hiện theo quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngọc Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,801

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079