Lập tòa án hiến pháp cũng chẳng thay đổi được điều gì

08/05/2013 10:04 AM

Thoạt đầu, cứ ngỡ Quốc hội sẽ có thực quyền nhất; quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, cơ quan hành pháp và tư pháp do họ trao quyền nên khó có thể xảy ra chuyện vi hiến nên không cần bảo hiến....

“Quyền lực” là thứ mà con người luôn khát khao có được, một khi có trong tay đấng tối cao đó thì chuyện lạm quyền, lộng quyền xảy ra âu cũng là lẽ thường. Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh cho điều đó; trong nhà nước chiếm hữu nô lệ quyền lực tập trung vào giai cấp chủ nô và khi đó họ coi nô lệ không phải là người mà là công cụ sản xuất biết nói, đối xử với nô lệ thật sự man rợ, sẵn sàng chấm dứt mạng sống của họ bất cứ lúc nào; trong nhà nước phong kiến thì quyền lực tập trung vào tay vua (Thiên tử, Pha–ra– ông) nên vua bảo dân chết thì dân phải chết, quyền con người không được đề cập đến; trong nhà nước tư bản thì giai cấp tư bản đã bóc lột sức lao động công nhân, ăn cướp giá trị thặng dư của họ.

Hiện tại, chúng ta trên tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì quyền lực phải tập trung để tạo nên một hệ thống sức mạnh toàn dân; hệ thống đó sẽ bảo vệ nhân dân, xây dựng và phát triển đất nước theo hướng bền vững nhất. Vì vậy, trong bối cảnh nước nhà hiện nay thì vẫn nên tập trung quyền lực. Nhưng tập trung như thế nào, dưới phương thức nào thì cần phải xem xét cẩn trọng.

Khi trao quyền lực cho ai thì ta phải gắn dây phanh cho họ, họ được tự do sử dụng quyền lực trong khuôn khổ để phục vụ lợi ích chung cho nhân dân, đất nước; nếu một khi họ muốn vượt ra ngoài khuôn khổ đó thì dây phanh sẽ kéo họ lại đúng với kỹ cương. Có như thế mới tránh được trường hợp lạm quyền, lộng quyền.

Tòa án hiến pháp hay tòa bảo hiến là một tòa án xem xét các vấn đề liên quan đến hiến pháp. Thẩm quyền chính của tòa này là quyết định luật bị vi phạm hoặc vi hiến hay không, ví dụ chúng có xung đột với các quyền và quyền tự do mà hiến pháp thiết lập hay không. Mọi hành vi vi hiến đều bị tòa hiến pháp bãi bỏ nhằm bảo vệ sự tối cao của hiến pháp.

Trên thế giới hiện nay thì một số quốc gia có tòa bảo hiến độc lập; nhiều nước không có tòa bảo hiến độc lập nhưng thay vào đó là phân bổ quyền tư pháp về hiến pháp cho tòa án tối cao.

Nhìn vào hệ thống quyền lực nước nhà và câu chuyện bảo hiến thì “tình hình rất ư là tình hình”. Quyền lực phải được chia sẻ và giám sát lẫn nhau giữa các chủ thể được trao quyền thì quyền lực ấy không bị lạm quyền nhưng ở nước ta vấn đề này còn là một lỗ hổng rất lớn.

Ba nhánh quyền lưc Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp đáng lẽ ra phải độc lập và đối trọng lẫn nhau. Nhưng ở Việt Nam thì Quốc hội (lập pháp), Chính phủ (hành pháp) dưới quyền Quốc hội; còn bộ Tư pháp (tư pháp) thì nằm trong Chính phủ. Thoạt đầu, cứ ngỡ Quốc hội sẽ có thực quyền nhất; quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, cơ quan hành pháp và tư pháp do họ trao quyền nên khó có thể xảy ra chuyện vi hiến nên không cần bảo hiến.

Nhưng tình hình thực tiễn thì hoàn toàn khác tuy trên danh nghĩa Quốc hội có quyền lập hiến, lập pháp nhưng thực ra Chính phủ đã làm thay điều này. Đa phần các dự án Luật do Chính phủ soạn thảo và đề trình (Chính phủ giao cho Bộ liên quan đến vấn đề đó soạn thảo) nên câu chuyện cục bộ, ý chí chủ quan của người soạn thảo nhầm bảo vệ lợi ích cho mình là rất lớn. Và thực tế Luật này chồng chéo lên luật kia, vạn sự rối nghìn bế tắc lại đổ lên đầu dân.

Ngoài ra, Chính phủ được ban hành văn bản pháp quy và thực thi nó, thì câu chuyện lạm quyền là chuyện dễ dàng xảy ra. Chẳng có cơ quan nào kiểm soát, may ra có nhiều quy định “trên trời rơi xuống đất”, dưới sức mạnh của báo chí, dư luận, nhân dân thì Chính phủ động lòng thương nên xem xét lại.

Mặt khác, nhánh quyền lực Tư pháp đáng lẽ ra phải ngang quyền và độc lập với Chính phủ (hành pháp) để kiểm soát, đối trọng lại Chính phủ. Nhưng Bộ Tư pháp ở trong Chính phủ thì làm sao Tư pháp được độc lập, chỉ cần Tư pháp phê bình một tiếng thì cho rằng “gà nhà bươi bép nhà”, vậy làm sao khách quan.

Quay lại câu chuyện có nên Lập tòa án hiến pháp hay không? Dư luận đang quan tâm và bàn bạc về vấn đề này. Nhiều ý kiến cho rằng nên, vì có như thế mới đảm bảo được câu chuyện bảo hiến của nước nhà. Tuy nhiên, ở góc nhìn chủ quan tôi cho rằng điều kiện tiên quyết để xây dựng nên nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thượng tôn hiến pháp và pháp luật thì phải xem xét lại cách phân chia và kiểm soát ba nhánh quyền lực Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp cho hợp lý. Một khi giải quyết được câu chuyện nói trên thì hãy bàn tới có nên Lập tòa án hiến pháp hay không?

Thanh Hữu

Chia sẻ bài viết lên facebook 14,064

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079