Khi nào được ký thay, ký thừa lệnh, ký ủy quyền?

13/02/2023 17:34 PM

Thế nào là ký thay, ký thừa lệnh, ký uỷ quyền trong văn bản hành chính? - Ngọc Linh (Bình Thuận)

Khi nào được ký thay, ký thừa lệnh, ký ủy quyền?

Khi nào được ký thay, ký thừa lệnh, ký ủy quyền? (Hình từ Internet)

Quy định về ký thay, ký thừa lệnh, ký uỷ quyền trong văn bản hành chính được nêu tại Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Quy định về ký thay

Theo khoản 1, 2 Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, chữ ký thay (KT.) được quy định như sau:

- Đối với cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ thủ trưởng:

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ký tất cả văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành; có thể giao cấp phó ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu. Trường hợp cấp phó được giao phụ trách, điều hành thì thực hiện ký như cấp phó ký thay cấp trưởng.

- Đối với cơ quan, tổ chức làm việc theo chế độ tập thể:

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức thay mặt tập thể lãnh đạo ký các văn bản của cơ quan, tổ chức. Cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức được thay mặt tập thể, ký thay người đứng đầu cơ quan, tổ chức những văn bản theo ủy quyền của người đứng đầu và những văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

2. Quy định về ký thừa ủy quyền

Khoản 3 Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định trong trường hợp đặc biệt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của mình ký thừa ủy quyền (TUQ.) một số văn bản mà mình phải ký.

Việc giao ký thừa ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, giới hạn thời gian và nội dung được ủy quyền. 

Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. 

Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu hoặc ký số của cơ quan, tổ chức ủy quyền.

3. Quy định về ký thừa lệnh

Căn cứ khoản 4 Điều 13 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể giao người đứng đầu đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức ký thừa lệnh một số loại văn bản. Người được ký thừa lệnh được giao lại cho cấp phó ký thay. Việc giao ký thừa lệnh phải được quy định cụ thể trong quy chế làm việc hoặc quy chế công tác văn thư của cơ quan, tổ chức.

Lưu ý:

- Người ký văn bản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản do mình ký ban hành. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành.

- Đối với văn bản giấy, khi ký văn bản dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai.

- Đối với văn bản điện tử, người có thẩm quyền thực hiện ký số. Vị trí, hình ảnh chữ ký số theo quy định tại Phụ lục I Nghị định 30/2020/NĐ-CP.

4. Thể thức văn bản hành chính

Thể thức của một văn bản hành chính quy định tại Điều 8 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, cụ thể:

- Thể thức văn bản hành chính bao gồm các thành phần chính

+ Quốc hiệu và Tiêu ngữ.

+ Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.

+ Số, ký hiệu của văn bản.

+ Địa danh và thời gian ban hành văn bản.

+ Tên loại và trích yếu nội dung văn bản.

+ Nội dung văn bản.

+ Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền.

+ Dấu, chữ ký số của cơ quan, tổ chức.

+ Nơi nhận.

- Ngoài các thành phần quy định nêu trên, văn bản có thể bổ sung các thành phần khác

+ Phụ lục.

+ Dấu chỉ độ mật, mức độ khẩn, các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành.

+ Ký hiệu người soạn thảo văn bản và số lượng bản phát hành.

+ Địa chỉ cơ quan, tổ chức; thư điện tử; trang thông tin điện tử; số điện thoại; số Fax.

Thể thức văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I Nghị định 30/2020/NĐ-CP.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 154,021

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079