Đánh giá rủi ro trong thực hiện thủ tục kiểm toán

23/02/2023 14:15 PM

Xin hỏi là đối với việc đánh giá rủi ro thì trong quá trình thực hiện kiểm toán sẽ đánh giá, xử lý rủi ro kiểm toán thế nào? - Thanh Vàng (An Giang)

Đánh giá rủi ro trong thực hiện thủ tục kiểm toán

Kiểm toán nhà nước ban hành Quyết định 62/QĐ-KTNN ngày 10/02/2023 hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán Báo cáo tài chính ngân hàng.

Theo đó, việc đánh giá rủi ro trong thực hiện thủ tục kiểm toán quy định như sau:

1. Đánh giá rủi ro trong thực hiện thủ tục kiểm toán

Tại khoản 1 Điều 10 Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định 62/QĐ-KTNN (Hướng dẫn) quy định về việc đánh giá rủi ro trong thực hiện thủ tục kiểm toán như sau:

- KTVNN thực hiện các thủ tục đã được xác định tại KHKT để xử lý rủi ro kiểm toán theo quy định tại Điều 7 Hướng dẫn.

- Khi có các tình huống phát sinh hoặc có thêm thông tin mới trong quá trình kiểm toán làm thay đổi đánh giá của KTVNN về rủi ro có sai sót trọng yếu, KTVNN có thể thực hiện những thay đổi đối với nội dung, lịch trình, thời gian và phạm vi các thủ tục kiểm toán.

+ Nếu rủi ro có sai sót trọng yếu tăng lên, KTVNN phải mở rộng phạm vi các thủ tục kiểm toán, nghĩa là tăng số lượng thủ tục kiểm toán, tăng quy mô mẫu hoặc tăng số lần quan sát các thủ tục kiểm soát.

Trường hợp xử lý rủi ro có sai sót trọng yếu do gian lận, KTVNN phải tăng quy mô mẫu hoặc thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản ở mức độ chi tiết hơn, thực hiện thủ tục xác nhận từ bên ngoài, thuê chuyên gia (trong trường hợp cần thiết), phỏng vấn hoặc sử dụng sự hỗ trợ của phần mềm máy tính…

+ Việc mở rộng phạm vi thủ tục kiểm toán chỉ có hiệu quả khi thủ tục kiểm toán phù hợp với những rủi ro được xác định trong từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ (tiếp theo ví dụ trên):Khi KTVNN chọn mẫu kiểm tra hồ sơ tín dụng với giá trị dư nợ 8.925 trđ trở lên, KTVNN thấy có dấu hiệu gian lận về tính hợp pháp của chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay. Trong trường hợp này, việc mở rộng phạm vi thủ tục kiểm tra hồ sơ sẽ không có hiệu quả bằng việc mở rộng phương pháp xác minh, đối chiếu thông tin với khách hàng và các đối tượng khác có liên quan…

2. Thu thập bằng chứng khi nhận thấy rủi ro trong thực hiện thủ tục kiểm toán

Tại khoản 2 Điều 10 Hướng dẫn quy định về việc đánh giá rủi ro trong thực hiện thủ tục kiểm toán như sau:

- KTVNN áp dụng các phương pháp, thủ tục thu thập bằng chứng kiểm toán theo hướng dẫn tại CMKTNN về Bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tài chính, CMKTNN về Xác nhận từ bên ngoài đối với cuộc kiểm toán tài chính, CMKTNN về Thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính, bao gồm:

Quan sát;

Kiểm tra, đối chiếu;

Xác nhận từ bên ngoài;

Tính toán lại;

Điều tra;

Phỏng vấn;

Thủ tục phân tích;

Thực hiện lại.

- KTVNN phải thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về việc số dư đầu kỳ có chứa đựng sai sót gây ảnh hưởng trọng yếu đến BCTCNH kỳ hiện tại theo hướng dẫn tại CMKTNN về Kiểm toán số dư đầu kỳ trong kiểm toán tài chính.

- Lấy mẫu kiểm toán theo hướng dẫn tại Điều 8 Hướng dẫn và tại CMKTNN về Lấy mẫu kiểm toán trong kiểm toán tài chính.

- Kiểm toán các ước tính kế toán theo hướng dẫn tại CMKTNN về Kiểm toán các ước tính kế toán trong kiểm toán tài chính.

- Thu thập bằng chứng kiểm toán, xử lý thích hợp đối với những sự việc phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán theo hướng dẫn tại CMKTNN về Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.

- Ngoài ra, KTVNN còn sử dụng các phương pháp đặc thù như:

Sử dụng kết quả chuyên gia theo CMKTNN về Sử dụng công việc của chuyên gia trong kiểm toán tài chính; sử dụng kết quả công việc của Kiểm toán viên nội bộ theo CMKTNN về Sử dụng công việc của kiểm toán viên nội bộ;

Sử dụng cộng tác viên để kiểm định chất lượng thiết bị, máy móc mua sắm;

Thẩm định giá cả và xuất xứ máy móc, thiết bị;

Giám định tài liệu chứng từ...

- Khi lựa chọn phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, KTVNN cần cân nhắc hiệu quả của việc sử dụng các phương pháp đặc thù so với chi phí bỏ ra và tuân thủ các thủ tục quy định trong việc sử dụng các phương pháp đặc thù của KTNN.

3. Duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong quá trình kiểm tra rủi ro với thủ tục kiểm toán

Tại khoản 3 Điều 10 Hướng dẫn quy định về việc đánh giá rủi ro trong thực hiện thủ tục kiểm toán như sau:

KTVNN phải duy trì thái độ hoài nghi nghề nghiệp trong suốt cuộc kiểm toán, phải nhận thức được khả năng có thể tồn tại sai sót trọng yếu do gian lận. Trong quá trình thực hiện kiểm toán cần lưu ý:

- Nếu có các dấu hiệu làm cho KTVNN tin rằng một tài liệu có thể là không xác thực hoặc đã bị sửa đổi mà không được thông báo thì KTVNN phải tiến hành kiểm tra thêm bằng các thủ tục như:

+ Xác nhận trực tiếp với bên thứ ba;

+ Sử dụng chuyên gia để đánh giá tính xác thực của tài liệu đó; 

+ Kiểm tra, xác minh tài liệu đó từ các nguồn thông tin khác.

- Nếu các giải trình của đơn vị được kiểm toán là không nhất quán, thì KTVNN cần xem xét tiến hành kiểm tra về các điểm không nhất quán đó.

Quyết định 62/QĐ-KTNN có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,192

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079