Quy định về hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp

25/02/2023 09:30 AM

Xin hỏi quy định về hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp hiện nay được quy định thế nào? - Kim Phượng (Long An)

Quy định về hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp

Quy định về hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chính sách khởi nghiệp với thanh niên

Theo Điều 18 Luật Thanh niên 2020 quy định về chính sách khởi nghiệp với thanh niên như sau:

- Giáo dục, đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên.

- Cung cấp thông tin về thị trường; hỗ trợ pháp lý, khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

- Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng khoa học và công nghệ.

- Ưu đãi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích thành lập quỹ khởi nghiệp cho thanh niên theo quy định của pháp luật

2. Quy định về hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp

2.1. Quy định về hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 18 Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp như sau:

- Đối tượng hỗ trợ:

+ Học sinh các trường trung học phổ thông;

+ Thanh niên đang học tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

+ Thanh niên đã tốt nghiệp cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Định hướng nghề nghiệp;

+ Cung cấp thông tin về việc làm, nghề nghiệp;

+ Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tìm việc và làm việc;

+ Tham gia chương trình thực tập làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức;

+ Cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.

2.2. Quy định về hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp

Quy định về hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp theo khoản 1 và khoản 2 Điều 19 Nghị định 61/2015/NĐ-CP như sau:

- Đối tượng hỗ trợ:

+ Thanh niên có nhu cầu khởi sự doanh nghiệp;

+ Thanh niên đã khởi sự doanh nghiệp.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Cung cấp kiến thức về pháp luật, quản trị doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan khởi sự doanh nghiệp;

+ Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp;

+ Cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của thanh niên

Trách nhiệm của thanh niên theo Điều 12 đến Điều 15 Luật Thanh niên 2020 như sau:

* Trách nhiệm đối với Tổ quốc:

- Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc; xung kích, sáng tạo, đi đầu trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đảm nhận công việc khó khăn, gian khổ, cấp bách khi Tổ quốc yêu cầu.

- Đấu tranh với các âm mưu, hoạt động gây phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

* Trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội:

- Gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân

- Tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

- Chủ động đề xuất ý tưởng, sáng kiến trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

- Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.

- Xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh tạo việc làm; tham gia bảo vệ môi trường và các hoạt động vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.

- Tích cực tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

* Trách nhiệm đối với gia đình:

- Chăm lo hạnh phúc gia đình; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

- Kính trọng, hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ và tôn trọng các thành viên khác trong gia đình; chăm sóc, giáo dục con em trong gia đình.

- Tích cực phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.

* Trách nhiệm đối với bản thân:

- Rèn luyện đạo đức, nhân cách, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có trách nhiệm công dân, ý thức chấp hành pháp luật; phòng, chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, hành vi trái pháp luật và đạo đức xã hội.

- Tích cực học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng; tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn.

- Chủ động tìm hiểu về thị trường lao động; lựa chọn nghề nghiệp, việc làm phù hợp; rèn luyện ý thức trách nhiệm, kỷ luật lao động và tác phong chuyên nghiệp; sáng tạo, cải tiến kỹ thuật nâng cao năng suất lao động.

- Rèn luyện, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất và tinh thần; trang bị kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng, chống bệnh tật; 

Không lạm dụng rượu, bia; hạn chế sử dụng thuốc lá; không sử dụng ma túy, chất gây nghiện và chất kích thích khác mà pháp luật cấm; phòng, chống tác hại từ không gian mạng.

- Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào văn hóa, thể dục, thể thao lành mạnh; bảo vệ, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,838

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079