11 hành vi xâm phạm quyền liên quan mới nhất

29/03/2023 15:06 PM

Tôi muốn hỏi các hành vi nào được xem là hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả? - Minh Nguyệt (Long An)

11 hành vi xâm phạm quyền liên quan mới nhất năm 2023

11 hành vi xâm phạm quyền liên quan mới nhất năm 2023 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quyền liên quan là quyền gì?

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009), quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

2. Các hành vi xâm phạm quyền liên quan mới nhất năm 2023

Cụ thể tại Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi tại Khoản 10 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022), các hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm:

(1) Xâm phạm quyền của người biểu diễn quy định tại Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ.

(2) Xâm phạm quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình quy định tại Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ.

(3) Xâm phạm quyền của tổ chức phát sóng quy định tại Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ.

(4) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Điều 32 và Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ.

(5) Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều 35 và Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

(6) Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền liên quan.

(7) Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

(8) Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan;

Khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

(9) Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, chào bán, bán hoặc cho thuê thiết bị, hệ thống khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, hệ thống đó giải mã trái phép hoặc chủ yếu để giúp cho việc giải mã trái phép tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

(10) Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

(11) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan là bao lâu?

Thời hạn bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả được quy định như sau:

(i) Quyền của người biểu diễn được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.

(ii) Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc năm mươi năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình chưa được công bố.

(iii) Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.

(iv) Thời hạn bảo hộ quy định tại (i), (ii), (iii) chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.

(Điều 34 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,197

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079