Ai có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm?

04/08/2023 16:02 PM

Tôi muốn biết thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm sẽ thuộc về ai? Các kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm phải đáp ứng các yêu cầu gì? – Văn Huy (Hậu Giang)

Ai có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm?

Ai có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ai có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm?

Theo khoản 5 Điều 14 Nghị định 05/2019/NĐ-CP, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm được quy định như sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Hội đồng quản trị đối với công ty niêm yết;

- Hội đồng quản trị đối với doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con;

- Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đối với doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

2. Các yêu cầu đối với kế hoạch kiểm toán nội bộ hằng năm

Kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm của đơn vị phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Định hướng theo mức độ rủi ro: những nghiệp vụ/bộ phận điều hành, tác nghiệp có rủi ro cao phải được kiểm toán ít nhất mỗi năm một lần;

- Phải dự phòng quỹ thời gian đủ để thực hiện các cuộc kiểm toán đột xuất ngay khi có yêu cầu hoặc khi có các thông tin về dấu hiệu sai phạm, dấu hiệu rủi ro cao ở các đối tượng kiểm toán.

(Khoản 2 Điều 14 Nghị định 05/2019/NĐ-CP)

3. Các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ

Cụ thể tại Điều 6 Nghị định 05/2019/NĐ-CP quy định về các yêu cầu nhằm đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ như sau:

(1) Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải có thái độ công bằng, khách quan, không định kiến. Người làm công tác kiểm toán nội bộ có quyền và nghĩa vụ báo cáo về các vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính độc lập và khách quan của mình liên quan đến công việc kiểm toán nội bộ được giao.

(2) Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo tính độc lập và khách quan.

Trường hợp tính độc lập hoặc khách quan bị ảnh hưởng hoặc có thể bị ảnh hưởng, người làm công tác kiểm toán nội bộ phải báo cáo cho cấp quản lý trực tiếp hoặc phải báo cáo cho các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 05/2019/NĐ-CP hoặc người được ủy quyền của các đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 05/2019/NĐ-CP.

(3) Trong công tác kiểm toán nội bộ, đơn vị phải thực hiện quy định dưới đây nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan, ngăn ngừa sự thiếu công bằng, định kiến và xung đột lợi ích:

- Người làm công tác kiểm toán nội bộ không thực hiện kiểm toán đối với quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình mà mình là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình đó;

- Người làm công tác kiểm toán nội bộ không có những xung đột về quyền và lợi ích kinh tế với đơn vị, bộ phận được kiểm toán; người làm công tác kiểm toán nội bộ không được thực hiện kiểm toán đối với đơn vị, bộ phận mà người điều hành đơn vị, bộ phận đó là người có liên quan của mình;

- Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được tham gia kiểm toán các hoạt động, các bộ phận mà mình chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó trong thời hạn 03 năm kể từ khi có quyết định không thực hiện hoạt động hoặc quản lý bộ phận đó;

- Đơn vị phải có biện pháp kiểm tra nhằm đảm bảo tính độc lập và khách quan của công tác kiểm toán nội bộ ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán tại đơn vị, bộ phận được kiểm toán và trong giai đoạn lập, gửi báo cáo kiểm toán;

- Phạm vi, chu kỳ và phương pháp kiểm toán, quy trình kiểm toán phải đảm bảo kết quả kiểm toán phản ánh đúng thực trạng các nội dung được kiểm toán;

- Các ghi nhận kiểm toán trong báo cáo kiểm toán nội bộ phải được phân tích cẩn trọng và dựa trên cơ sở các dữ liệu, thông tin thu thập được để đảm bảo tính khách quan.

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,046

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079