Các trường hợp được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 22/2019/TT-BTC) thì các trường hợp được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan như sau:
- Người có 03 môn thi đạt yêu cầu theo quy định tại điểm a, điểm c khoản 9 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 22/2019/TT-BTC) được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan.
Tại điểm a, điểm c khoản 9 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 22/2019/TT-BTC) quy định về kết quả thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan:
+ Môn thi đạt yêu cầu là môn thi đạt điểm từ 50 điểm trở lên chấm theo thang điểm 100.
+ Bảo lưu kết quả thi: Trường hợp trong các môn thi có môn không đạt yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Thông tư 12/2015/TT-BTC (sửa đổi tại Thông tư 22/2019/TT-BTC), thì kết quả các môn thi đạt yêu cầu được tự động bảo lưu trong thời hạn 01 năm kể từ ngày thông báo kết quả phúc khảo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan;
Hoặc bảo lưu kết quả cho đến khi kết thúc kỳ thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan tiếp theo liền kề trong trường hợp quá thời hạn 01 năm kể từ ngày thông báo kết quả phúc khảo trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan mà kỳ thi cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan chưa được tổ chức.
- Công chức hải quan giữ ngạch kiểm tra viên hải quan có 09 (chín) năm công tác liên tục hoặc kiểm tra viên chính hoặc kiểm tra viên cao cấp sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc (không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc) được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có quyết định chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc nghỉ việc.
Quy định về khai hải quan theo Điều 29 Luật Hải quan 2014 như sau:
- Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng các tiêu chí thông tin tờ khai hải quan.
- Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ.
- Tờ khai hải quan đã đăng ký có giá trị làm thủ tục hải quan. Chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được áp dụng tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có quy định khác.
- Người khai hải quan xác định có sai sót trong việc khai hải quan được thực hiện khai bổ sung trong các trường hợp sau đây:
+ Đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan: trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan;
+ Đối với hàng hóa đã được thông quan: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra, trừ trường hợp nội dung khai bổ sung liên quan đến giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm.
Quá thời hạn quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều 29 Luật Hải quan 2014, người khai hải quan mới phát hiện sai sót trong việc khai hải quan thì thực hiện khai bổ sung và xử lý theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Người khai hải quan được nộp tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan để thông quan và hoàn chỉnh tờ khai hải quan trong thời hạn quy định tại Điều 43 và Điều 50 Luật Hải quan 2014, khai một lần để xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần trong một thời gian nhất định đối với mặt hàng nhất định.
- Hàng hóa đang được làm thủ tục hải quan hoặc đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng vẫn đang chịu sự giám sát hải quan, người khai hải quan được thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan.