Các trường hợp miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý

26/08/2023 10:28 AM

Xin cho tôi hỏi công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm trong những trường hợp nào? - Ngân Hà (Tiền Giang)

Các trường hợp miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý

Các trường hợp miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các trường hợp miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý

Theo khoản 1 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

- Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;

- Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;

- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;

- Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

2. Quy trình xem xét miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý

Cụ thể tại khoản 2 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định quy trình xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý như sau::

- Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quy định tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, người đứng cơ quan trực tiếp sử dụng công chức hoặc cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ đề xuất với cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ;

- Chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất việc miễn nhiệm, tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải thảo luận, biểu quyết bằng phiếu kín. Việc quyết định miễn nhiệm đối với công chức phải được trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý; trường hợp nhân sự đạt tỷ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định.

Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi bị miễn nhiệm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bố trí công tác phù hợp; công chức có trách nhiệm chấp hành quyết định phân công của cấp có thẩm quyền. Trường hợp công chức bị miễn nhiệm do xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp thì cơ quan có thẩm quyền cho thôi việc theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ xem xét cho miễn nhiệm với công chức lãnh đạo, quản lý

Căn cứ theo Điều 67 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định hồ sơ xem xét cho từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý như sau:

- Tờ trình của cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ.

- Các văn bản có liên quan: Quyết định, văn bản kết luận, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, đơn đề nghị của công chức.

- Biên bản hội nghị và biên bản kiểm phiếu.

4. Chế độ, chính sách với công chức lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm

Theo khoản 1 Điều 68 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với công chức lãnh đạo, quản lý từ chức, miễn nhiệm như sau:

- Công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm không được hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.

- Sau khi từ chức, miễn nhiệm nếu công chức tự nguyện xin nghỉ hưu, nghỉ việc thì được giải quyết theo quy định hiện hành.

5. Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức

Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của công chức được quy định tại Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

- Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực, trừ trường hợp thời hạn dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

- Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được quá hai nhiệm kỳ liên tiếp được thực hiện theo quy định của Đảng và pháp luật chuyên ngành.

Hồ Quốc Tuấn

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,999

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079