Khám nghĩa vụ quân sự nữ như thế nào? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định như sau:
- Công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong Quân đội nhân dân.
- Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
Như vậy, công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ.
Cũng như công dân nam, khi công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự cũng thực hiện khám sức khỏe theo hai vòng: Vòng sơ tuyển tại Trạm y tế xã và vòng khám sức khỏe chi tiết tại Trung tâm y tế huyện.
Theo đó khám nghĩa vụ quân sự nữ được thực hiện như sau:
- Vòng 1: Công dân nữ sẽ được khám sức khỏe về thể lực gồm chiều cao, cân nặng, dị tật, dị dạng và những bệnh lý thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự;
Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.
Nếu đủ điều kiện công dân sẽ được khám vòng 2.
(Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP)
- Vòng 2: Công dân nữ được khám chi tiết về thể lực, mạch, huyết áp, thị lực, thính lực, tai, mũi, họng, răng, hàm, mặt… cụ thể như sau:
+ Khám thể lực: Nữ được phép mặc quần dài, áo mỏng, bỏ mũ, nón, không đi giày, dép.
+ Đo nhịp tim, huyết áp; khám thị lực, đo mắt; tai, mũi, họng (đo sức nghe khi nói thầm, nói bình thường); răng (kiểm tra răng sâu, mất răng và các bệnh răng miệng), hàm, mặt, nội khoa (kiểm tra huyết áp, mạch, phế quản, tim), tâm thần, thần kinh (kiểm tra tình trạng mồ hôi tay, chân, teo cơ, nhược cơ, tật máy cơ…)…
+ Khám phụ khoa: Việc khám thực hiện tại nơi kín đáo, nghiêm túc, cán bộ chuyên môn thực hiện là nữ. Đối với nữ thanh niên, màng trinh chưa rách thì chỉ khám nắn bụng, không khám mỏ vịt, không thăm âm đạo, chỉ khám qua hậu môn những trường hợp cần thiết. Đối với người màng trinh đã rách cũ, khi có nghi ngờ bệnh phụ khoa thì khám bằng dụng cụ qua âm đạo để xác định chẩn đoán. Nếu không có cán bộ y tế là nữ thì phải là bác sĩ ngoại khoa và có nhân viên nữ tham dự khi khám sản, phụ khoa.
+ Xét nghiệm: Công dân nữ được xét nghiệm máu, nước tiểu. Khi đạt tiêu chuẩn sức khỏe gọi nhập ngũ, công dân nữ sẽ được xét nghiệm HIV.
(Phần IV Mục II Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP)
Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP. Theo đó, tiêu chuẩn sức khỏe của nữ cũng bao gồm:
- Tiêu chuẩn phân loại theo thể lực đối với nữ giới:
Loại sức khỏe |
Cao đứng (cm) |
Cân nặng (kg) |
1 |
≥ 154 |
≥ 48 |
2 |
152 - 153 |
44 - 47 |
3 |
150 - 151 |
42 - 43 |
4 |
148 - 149 |
40 - 41 |
5 |
147 |
38 - 39 |
6 |
≤ 146 |
≤ 37 |
- Tiêu chuẩn phân loại theo bệnh tật: Cũng như công dân nam, công dân nữ tham gia nghĩa vụ quân sự cũng được khám các bệnh về mắt, răng, hàm, mặt, tai, mũi, họng, thần kinh, tâm thần, tiêu hóa, hô hấp, tim, mạch, cơ, xương, khớp, thận, tiết niệu, khám phụ khoa…
Ngoài ra, không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.
(Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP, khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP)
Nguyễn Ngọc Quế Anh