Các biện pháp xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Điều 7 Thông tư 57/2019/TT-BTC như sau:
- Khách hàng bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
- Khách hàng bị phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
- Khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo Hợp đồng nhận nợ bắt buộc đã ký.
- Khách hàng có khoản nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) theo kết quả phân loại nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 34/2018/NĐ-CP:
Quỹ bảo lãnh tín dụng thực hiện phân loại nợ đối với các khoản đã trả nợ thay cho bên được bảo lãnh (khách hàng phải nhận nợ bắt buộc) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức tín dụng.
Các biện pháp xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Điều 8 Thông tư 57/2019/TT-BTC như sau:
- Cơ cấu nợ:
+ Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ;
+ Gia hạn nợ.
- Khoanh nợ.
- Xử lý tài sản bảo đảm.
- Bán nợ.
- Xóa nợ lãi.
- Xóa nợ gốc.
Thời điểm xem xét xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Điều 5 Thông tư 57/2019/TT-BTC như sau:
- Đối với việc xem xét xử lý rủi ro thuộc thẩm quyền xử lý của Quỹ bảo lãnh tín dụng:
Thời điểm xem xét xử lý rủi ro được thực hiện sau khi Quỹ bảo lãnh tín dụng nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro của khách hàng hoặc khi xảy ra các trường hợp rủi ro mà Quỹ bảo lãnh tín dụng phải xử lý tài sản bảo đảm.
- Đối với việc xem xét xử lý rủi ro thuộc thẩm quyền xử lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh):
Thời điểm xem xét xử lý rủi ro được thực hiện theo từng đợt, tối thiểu sáu (06) tháng/lần trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Theo Điều 4 Thông tư 57/2019/TT-BTC quy định về nguyên tắc xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
- Việc xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng phải đảm bảo tuân thủ nguyên tắc theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 34/2018/NĐ-CP:
+ Thực hiện đúng theo quy định của pháp luật;
+ Giảm thiệt hại tối đa cho nhà nước và gắn trách nhiệm của Quỹ bảo lãnh tín dụng, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh và các cơ quan liên quan trong việc bảo lãnh, thu hồi khoản trả nợ thay theo quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.
- Việc xem xét xử lý khoản nợ bị rủi ro được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:
+ Khoản nợ thuộc phạm vi xử lý rủi ro theo quy định tại Điều 1 Thông tư 57/2019/TT-BTC;
+ Khoản nợ của khách hàng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng bị rủi ro do một trong các trường hợp quy định tại Điều 7 Thông tư 57/2019/TT-BTC.
- Việc xử lý rủi ro của Quỹ bảo lãnh tín dụng được xem xét theo từng trường hợp cụ thể, căn cứ vào mức độ thiệt hại, trường hợp dẫn đến rủi ro quy định tại Điều 7 Thông tư 57/2019/TT-BTC, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính và phương án trả nợ của khách hàng.
- Một khoản nợ của khách hàng có thể được áp dụng một hoặc đồng thời nhiều biện pháp xử lý rủi ro theo quy định tại Thông tư 57/2019/TT-BTC.