Vùng kinh tế trọng điểm là gì? Nước ta có mấy vùng kinh tế trọng điểm?

17/11/2023 12:47 PM

Xin hỏi vùng kinh tế trọng điểm là gì và nước ta có bao nhiêu vùng kinh tế trọng điểm? Các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm? - Anh Hồng (Phú Yên)

Vùng kinh tế trọng điểm là gì?

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia gồm một số tỉnh, thành phố hội tụ được các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực, đầu tàu lôi kéo sự phát triển chung của cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm là gì? Nước ta có mấy vùng kinh tế trọng điểm?

Vùng kinh tế trọng điểm là gì? Nước ta có mấy vùng kinh tế trọng điểm? (Hình từ internet)

Nước ta có mấy vùng kinh tế trọng điểm?

Hiện nay nước ta có 4 vùng KTTĐ gồm:

- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

- Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm

Ngày 11/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển các vùng KTTĐ gồm:

(1) Về xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch

** Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Khẩn trương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân vùng, làm căn cứ xây dựng quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch.

- Đẩy nhanh tiến độ, trong quý IV năm 2020 trình Hội đồng quy hoạch quốc gia ban hành hướng dẫn về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và các nội dung liên quan sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm cơ sở triển khai lập quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khu công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, vùng, quốc gia nhằm đón nhận làn sóng đầu tư mới.

- Hướng dẫn các địa phương trong vùng KTTĐ lập và trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 trong điều kiện tổ chức lập đồng thời các quy hoạch để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư.

** Bộ Tài nguyên và Môi trường

Khẩn trương hướng dẫn các địa phương trong vùng KTTĐ rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương và vùng, sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch và pháp luật liên quan, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

** Bộ Xây dựng:

Đề xuất các giải pháp quy hoạch, xây dựng và phát triển các đô thị lớn và siêu lớn trong vùng KTTĐ trở thành các thành phố hiện đại, đáng sống mang tầm Cỡ khu vực, trong đó có các giải pháp để quản lý các mô hình “thành phố trong thành phố”, “đô thị thông minh”, “đô thị xanh”... gắn với các giải pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn Quốc gia, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng các loại khoáng sản làm việc liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

** Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ

Bố trí nguồn lực và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, khẩn trương lập và trình phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành của pháp luật về quy hoạch. Rà soát, đề xuất bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) của một số địa phương trong vùng KTTĐ đạt tỷ lệ lấp đầy KCN cao, sử dụng đất có hiệu quả, có khả năng thu hút đầu tư, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

(2) Về huy động nguồn lực đầu tư phát triển

** Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Nghiên cứu, đề xuất phân bổ nguồn lực đầu tư thích đáng cho các vùng KTTĐ trong đó có ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn nhà nước tham gia trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Làm việc với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế định hướng, ưu tiên thu hút một số dự án ODA quy mô lớn, có tính liên kết vùng cho các vùng KTTĐ.

- Khẩn trương phối hợp với các nhà tài trợ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu để đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi mang tính kết nối vùng, các dự án khắc phục hạn hán, phòng chống xâm nhập mặn trong quý IV năm 2020.

** Bộ Tài chính

- Trình cấp có thẩm quyền ưu tiên cho phép các địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm được tăng bội chi trong tổng mức bội chi ngân sách nhà nước để tăng mức vay lại của địa phương, từ đó có thêm nguồn vốn vay để đầu tư cho các dự án quan trọng, quy mô lớn của địa phương.

- Đề xuất cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại và tỷ lệ điều tiết phù hợp trong giai đoạn 2022-2025 cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương thuộc các vùng KTTĐ, nhất là các địa phương có vai trò “đầu tàu”, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của cả nước.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh quy định về phương thức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, giá phí sau đầu tư.

** Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng với lãi suất hợp lý giúp doanh nghiệp, người dân khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt để đầu tư các dự án giúp phát huy thế mạnh, tiềm năng của các địa phương trong vùng KTTĐ.

** Bộ Giao thông vận tải

Ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phạm vi được giao quản lý để phát triển hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án lớn mang tính kết nối vùng và liên vùng KTTĐ.

** Bộ Khoa học và Công nghệ

Ưu tiên hỗ trợ nguồn lực đầu tư xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế và các khu đô thị khoa học trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

** Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ

- Huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân, và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, thúc đẩy liên kết vùng.

- Xây dựng danh mục các dự án xúc tiến đầu tư, nhất là các dự án FDI dựa trên các tiêu chí lựa chọn như: có giá trị gia tăng và sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, có suất đầu tư cao, hệ số sử dụng đất thấp, các dự án có khả năng đóng góp ngân sách nhà nước lớn.

(3) Về đào tạo và sử dụng lao động

** Bộ Giáo dục và Đào tạo

- Xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, sắp xếp hệ thống trường đại học trong từng vùng KTTĐ; gắn kết các trường đại học với các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, với thị trường và nhu cầu xã hội; quy hoạch ngành nghề đào tạo, phát triển các ngành cốt lõi đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng KTTĐ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng; đổi mới nội dung chương trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng và hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục.

** Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

- Khẩn trương tổ chức chương trình đào tạo, đào tạo lại cho người lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với định hướng thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có nhu cầu và là thế mạnh của các vùng KTTĐ.

- Đề xuất giải pháp tăng cường kết nối cung - cầu nhân lực các địa phương trong vùng KTTĐ với cả nước, khu vực và quốc tế; có các chính sách liên kết, hợp tác đào tạo giữa các cơ sở dạy nghề, nhất là cơ sở công lập với doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong vùng KTTĐ.

** Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ

- Tự xác định nhu cầu nhân lực theo đặc thù của từng địa phương, có cơ chế sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, đúng ngành nghề đào tạo.

- Đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động của vùng KTTĐ. Rà soát, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp bố trí đủ cho các dự án quan trọng, quy mô lớn, nhất là các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

(4) Về cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin vùng

** Bộ Thông tin và Truyền thông

- Nghiên cứu, triển khai phát triển hạ tầng số hiện đại, ưu tiên triển khai hạ tầng mạng 5G trong các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung để triển khai các công nghệ số đổi mới sáng tạo mang tính đột phá; hướng dẫn các địa phương xây dựng, phát triển chính quyền số gắn liền với đô thị thông minh.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết nối và chia sẻ cơ sở dữ liệu liên kết vùng KTTĐ, nhằm phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng KTTĐ.

** Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó bao gồm lao động của Việt Nam đã từng học tập, lao động ở các nước có nền kinh tế phát triển nhằm chủ động cung cấp nguồn lao động này đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp tại các vùng KTTĐ.

** Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ

Khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương liên quan và các địa phương trong vùng KTTĐ hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu chung về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng.

(5) Về cơ chế điều phối vùng KTTĐ

** Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Căn cứ mô hình Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được thành lập tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ để đề xuất hoàn thiện cơ chế điều phối hoạt động các vùng KTTĐ. Đầu mối phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng KTTĐ thúc đẩy triển khai có hiệu quả các hoạt động kết nối ngành, lĩnh vực trong vùng KTTĐ.

** Các bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ

Phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các bộ và địa phương trong vùng KTTĐ theo các Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015, số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015, số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015; Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ (đối với vùng ĐBSCL); phát huy vai trò động lực, kết nối vùng KTTĐ, kịp thời đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ những cơ chế, chính sách phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

(6) Về cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong vùng KTTĐ cần xác định rõ chiến lược phát triển của các vùng KTTĐ phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh, có giải pháp cụ thể, kế hoạch hành động chi tiết phát triển các ngành, lĩnh vực để từng địa phương, từng vùng KTTĐ không chỉ là đầu tàu phát triển kinh tế, nơi tập trung văn phòng, nhà xưởng của các tập đoàn, công ty mà còn thực sự là nơi đáng sống, đáng làm việc của giới trẻ, giới tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước. Các bộ và các tỉnh, thành phố thuộc vùng KTTĐ cần xác định một số ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng phát triển để ưu tiên thu hút đầu tư và thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể như sau:

** Các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của từng vùng KTTĐ

Các vùng KTTĐ cần tập trung thu hút đầu tư các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng và hiệu quả sử dụng đất cao, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, trong đó mỗi vùng KTTĐ ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực sau:

- Vùng KTTĐ Bắc Bộ tập trung vào xây dựng các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ công nghệ cao; ngân hàng, tài chính; y tế chuyên sâu; công nghiệp phụ trợ.

- Vùng KTTĐ miền Trung tập trung vào du lịch biển, du lịch sinh thái; sản xuất, lắp ráp ô tô; công nghiệp hóa dầu, công nghiệp quốc phòng; dịch vụ cảng biển.

- Vùng KTTĐ phía Nam tập trung vào sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản.

- Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản.

** Các bộ, cơ quan trung ương

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng nghiên cứu cơ chế, xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

- Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các khu đô thị khoa học trong các vùng KTTĐ; xác lập quyền, bảo hộ và khai thác phát triển tài sản trí tuệ gắn với thương mại hóa, phát triển thị trường khoa học công nghệ. Đẩy mạnh liên kết Viện - Trường - Doanh nghiệp trong vùng KTTĐ để đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ.

- Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất lập Đề án chi tiết kết nối kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, lan tỏa, tạo liên kết vùng (các công trình kết nối khu công nghiệp, khu chế xuất, trục hướng tâm, vành đai, các đường kết nối cảng biển và hành lang vận tải quốc tế).

- Bộ Công Thương phát triển mạng lưới trung tâm logistics của các vùng KTTĐ tập trung ở nơi có lợi thế vệ vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như các khu công nghiệp, hệ thống cảng, vùng sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp ít phát thải, hỗ trợ chế biến nông, thủy sản.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng giải pháp tái cấu trúc lĩnh vực nông nghiệp từng vùng KTTĐ, trong đó ưu tiên phát huy tiềm năng, lợi thế, gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiệu quả cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển giao công nghệ sinh học; hình thành chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản, các sản phẩm lợi thế của các địa phương trong vùng.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, đặc biệt là du lịch sinh thái, văn hóa, thể hiện tính đặc thù, độc đáo của từng vùng KTTĐ.

** Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ

- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất hơn nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong tất cả các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của nền kinh tế. Tập trung phát triển các ngành có lợi thế so sánh, là thế mạnh của địa phương và trọng tâm phát triển của vùng.

- Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để sẵn sàng đón nhận các dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ nước ngoài. Thu hút đầu tư hiệu quả vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 15,764

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079