Quy định về Phiếu khen mầm non/Giấy khen mầm non (Hình từ internet)
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có văn bản quy định cụ thể về tên bằng khen, giấy khen, phiếu khen đối với trẻ mầm non.
Theo Chương trình giáo dục mầm non quy định nhóm phương pháp giáo dục đánh giá nêu gương với trẻ mầm non như sau:
(1) Đối với Chương trình giáo dục nhà trẻ:
Ở lứa tuổi nhỏ, người lớn khen, nêu gương, tỏ thái độ đồng tình, khích lệ những việc làm, hành vi, lời nói tốt của trẻ là chủ yếu. Có thể tỏ thái độ không đồng tình, nhắc nhở khi cần thiết nhưng cần nhẹ nhàng, khéo léo.
Giáo viên phối hợp các phương pháp tạo ra sức mạnh tổng hợp tác động đến các mặt phát triển của trẻ, khuyến khích trẻ sử dụng các giác quan (nghe, nhìn, sờ …), sử dụng lời nói và tích cực hoạt động để phát triển; tăng cường giao tiếp, hướng dẫn cá nhân bằng lời nói, cử chỉ và hành động; chú trọng sử dụng phương pháp tác động bằng tình cảm và thực hành. Giáo viên luôn là tấm gương cho trẻ noi theo.
(2) Đối với Chương trình giáo dục mẫu giáo, nhóm phương pháp nêu gương - đánh giá trẻ mầm non như sau:
- Nêu gương: Sử dụng các hình thức khen, chê phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ. Biểu dương trẻ là chính, nhưng không lạm dụng.
- Đánh giá: Thể hiện thái độ đồng tình hoặc chưa đồng tình của người lớn, của bạn bè trước việc làm, hành vi, cử chỉ của trẻ. Từ đó đưa ra nhận xét, tự nhận xét trong từng tình huống hoặc hoàn cảnh cụ thể. Không sử dụng các hình phạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm - sinh lý của trẻ.
Như vậy, việc khen trẻ mầm non nên biểu dương trẻ là chính, nhưng không lạm dụng. Có thể khen trẻ cuối năm bằng phiếu khen là: “Bé khỏe”; “Bé ngoan”; “Bé khỏe - Bé ngoan”.
Theo Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm theo Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT, một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng trường mầm non là tiếp nhận trẻ em, quản lý trẻ em và tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhà trường; quyết định khen thưởng.
Như vậy, hiệu trưởng ra quyết định khen thưởng trong trường mầm non (trong đó có việc ban hành quyết định tặng giấy khen mầm non cho trẻ,…)
Thông tin trên mẫu giấy khen mầm non có thể bao gồm các nội dung:
+ Họ và tên bé;
+ Lớp mầm non;
+ Danh hiệu đạt được: ‘Bé khỏe’, ‘Bé ngoan’ hay ‘Bé khỏe – Bé ngoan’
+ Chữ ký của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng;
+ Ngày khen tặng;
+ Số lưu kho;
Do không có quy định nên việc soạn mẫu giấy khen mầm non sẽ do các trường tự thực hiện, có thể ghi hình thức khen như ‘Bé khỏe’, ‘Bé ngoan’ hay ‘Bé khỏe – Bé ngoan’,… nhưng phải đảm bảo phù hợp với quy định của Chương trình giáo dục mầm non như đã nhắc đến ở trên.
Hội đồng thi đua khen thưởng do hiệu trưởng thành lập vào đầu mỗi năm học. Hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng. Các thành viên của hội đồng gồm: phó hiệu trưởng, đại diện cấp ủy chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện các tổ chuyên môn, đại diện tổ văn phòng. Số lượng thành viên trong hội đồng thi đua khen thưởng là số lẻ.
Hội đồng thi đua khen thưởng giúp hiệu trưởng tổ chức phong trào thi đua, đề nghị danh sách khen thưởng đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng triệu tập họp hội đồng định kỳ vào đầu năm học, cuối học kỳ I, cuối năm học và họp đột xuất khi có yêu cầu công việc.