Phụ huynh giáo dục con bằng “roi vọt" có thể bị phạt tiền tới 20 triệu đồng? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 6 Luật Trẻ em 2016, thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm làm đối với trẻ em là sử dụng bạo lực.
Đồng thời, Điều 37 Hiến pháp 2013 khẳng định:
Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định hành vi bạo lực gia đình là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của thành viên trong gia đình.
Do đó, việc dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt là một trong các hành vi bạo lực gia đình.
Lưu ý: Bị coi là bạo lực gia đình không chỉ áp dụng với cha mẹ và con mà còn của người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau.
Như vậy, từ những căn cứ pháp luật nêu trên, ta có thể thấy mọi hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ, ... con cái của cha mẹ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Kể cả việc cha mẹ sử dụng đòn roi, sử dụng vũ lực tác động đến thân thể, sức khỏe trẻ em được xác định là hành vi bạo lực trẻ em - là một trong những hành vi mà pháp luật cấm. Hay nói cách khác, việc cha mẹ giáo dục con bằng đòn roi cũng được coi là hành vi bạo lực trẻ em. Do đó, hành vi giáo dục con cái bằng đòn roi của các bậc cha, mẹ sẽ được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
2.1 Xử phạt hành chính
Theo Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
Đồng thời, phụ huynh vi phạm quy định nêu trên có thể phải buộc xin lỗi công khai và phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi gây thương tích cho con.
Theo đó, phụ huynh giáo dục con bằng “roi vọt" có thể bị phạt tiền tới 20 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.
2.2 Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tùy tính chất của từng sự việc, người có hành vi ngược đãi, bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử lý về một trong các tội nêu tại Bộ luật Hình sự 2015 sau đây:
- Tội cố ý gây thương tích (Điều 134)
Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% - 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Hình phạt tù nặng nhất áp dụng với người phạm tội này là phạt tù 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
- Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185).
Nếu ông bà, cha mẹ có hành vi thường xuyên làm cho con, cháu (dưới 16 tuổi) bị đau đớn về thể xác, tinh thần; đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tù từ 02 - 05 năm.
- Tội hành hạ người khác (Điều 140).
Nếu không thuộc trường hợp của Tội ngược đãi tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục trẻ em thì sẽ bị phạt tù từ 01 - 03 năm.
Các mức phạt nêu trên chỉ có tính chất tham khảo, mức phạt thực tế đối với từng sự việc bạo hành trẻ em còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.