Phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu

16/12/2023 11:49 AM

Tại Kỳ họp Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, huyện có tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do cơ quan dân cử bầu ra. Vậy giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm có gì khác nhau?

Phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm

Phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm (Hình từ internet)

Lấy phiếu tín nhiệm là gì? Bỏ phiếu tín nhiệm là gì?

Hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm được quy định tại Nghị quyết 96/2023/QH15.

Lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ.

Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.

Phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm

Sau đây là một số tiêu chí cơ bản phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu.

Tiêu chí

Lấy phiếu tín nhiệm

Bỏ phiếu tín nhiệm

Đối tượng được lấy/bỏ phiếu tín nhiệm

**Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

- Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

- Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

- Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

**HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau đây:

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp sau đây:

+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị;

+ Có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội;

+ Có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội;

+ Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

- Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu trong trường hợp sau đây:

+ Có kiến nghị của ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu HĐND;

+ Có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

+ Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Mục đích

Làm cơ sở xem xét đánh giá cán bộ

Làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm.

Thời gian thực hiện

Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ

Không quy định thời gian.

Nhưng có thể diễn ra sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm (trường hợp có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”)

Hệ quả

- Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

- Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

- Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với các chức vụ đó.

Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

 

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 13,061

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079