Hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với tổ chức kinh tế năm 2024 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo đó, hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đối với người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế là văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC theo quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 và các giấy tờ khác có liên quan.
Mẫu số 24/ĐK-TCT |
Trong đó, đối với tổ chức kinh tế, tổ chức khác theo quy định tại điểm a, b, c, d, n Khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC thì:
- Đối với đơn vị chủ quản, hồ sơ là một trong các giấy tờ sau:
+ Bản sao quyết định giải thể;
+ Bản sao quyết định chia;
+ Bản sao hợp đồng hợp nhất;
+ Bản sao hợp đồng sáp nhập
+ Bản sao quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của cơ quan có thẩm quyền;
+ Bản sao thông báo chấm dứt hoạt động,
+ Bản sao quyết định chuyển đổi.
Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị phụ thuộc đã được cấp mã số thuế 13 chữ số thì đơn vị chủ quản phải có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động gửi cho các đơn vị phụ thuộc để yêu cầu đơn vị phụ thuộc thực hiện thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.
Trường hợp đơn vị phụ thuộc chấm dứt hiệu lực mã số thuế nhưng không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì đơn vị chủ quản có văn bản cam kết chịu trách nhiệm kế thừa toàn bộ khoản nghĩa vụ thuế của đơn vị phụ thuộc gửi cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc và tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế của đơn vị phụ thuộc với cơ quan thuế quản lý các nghĩa vụ thuế của đơn vị phụ thuộc sau khi mã số thuế của đơn vị phụ thuộc đã chấm dứt hiệu lực.
(Điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư 105/2020/TT-BTC)
Cụ thể, tổ chức kinh tế phải hoàn thành nghĩa vụ sau đây trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế:
- Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn;
- Hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có) theo quy định tại Điều 43, 44, 47, 60, 67, 68, 70, 71 Luật Quản lý thuế 2019 với cơ quan quản lý thuế;
- Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị phụ thuộc thì toàn bộ các đơn vị phụ thuộc phải hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.
(Khoản 1 Điều 15 Thông tư 105/2020/TT-BTC)
Nguyên tắc chấm dứt hiệu lực mã số thuế được quy định như sau: - Mã số thuế không được sử dụng trong các giao dịch kinh tế kể từ ngày cơ quan thuế thông báo chấm dứt hiệu lực; - Mã số thuế của tổ chức khi đã chấm dứt hiệu lực không được sử dụng lại, trừ trường hợp quy định tại Điều 40 Luật Quản lý thuế 2019; - Mã số thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khi chấm dứt hiệu lực thì mã số thuế của người đại diện hộ kinh doanh không bị chấm dứt hiệu lực và được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thuế khác của cá nhân đó; - Khi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì đồng thời phải thực hiện chấm dứt hiệu lực đối với mã số thuế nộp thay; - Người nộp thuế là đơn vị chủ quản chấm dứt hiệu lực mã số thuế thì các đơn vị phụ thuộc phải bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế. (Khoản 3 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019) |