Ký hợp đồng EPC năm 2024: 06 điều cần biết (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hợp đồng EPC là một loại hợp đồng xây dựng.
Hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình) là hợp đồng để thực hiện các công việc từ thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử, nghiệm thu, bàn giao cho bên giao thầu; hợp đồng tổng thầu EPC là hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng.
Hợp đồng EPC được ưu tiên áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ. Trước khi quyết định áp dụng loại hợp đồng EPC, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức đánh giá các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, rút ngắn thời gian thực hiện của dự án, tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của dự án được phê duyệt và đảm bảo tính khả thi của việc áp dụng hợp đồng EPC so với các loại hợp đồng khác.
(Điểm g khoản 1 Điều 3 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, được sửa đổi bởi điểm d khoản 2 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP)
Mẫu hợp đồng EPC là mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BXD sử dụng cho loại hợp đồng trọn gói. Trường hợp áp dụng các hình thức giá hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá điều chỉnh hoặc hợp đồng theo giá kết hợp, thì các bên căn cứ vào các quy định của pháp luật và Thông tư này để sửa đổi, bổ sung điều khoản của mẫu hợp đồng EPC để xác lập hợp đồng.
Mẫu hợp đồng EPC mới nhất |
Nguyên tắc ký hợp đồng EPC được quy định tại khoản 2 Điều 138 Luật Xây dựng 2014, Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP như sau:
- Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
- Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;
- Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;
- Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với nhà thầu liên danh, việc phân chia khối lượng công việc trong thỏa thuận liên danh phải phù hợp với năng lực hoạt động của từng thành viên trong liên danh. Đối với nhà thầu chính nước ngoài, phải có cam kết thuê thầu phụ trong nước thực hiện các công việc của hợp đồng dự kiến giao thầu phụ khi các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
- Chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính thì nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng.
- Tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
- Giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
- Hợp đồng xây dựng có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Người ký kết hợp đồng phải có đủ năng lực hành vi dân sự, đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
+ Bảo đảm các nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 138 của Luật này;
+ Bên nhận thầu phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề xây dựng theo quy định của Luật này.
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên hợp đồng thỏa thuận.
(Điều 139 Luật Xây dựng 2014)
Trước khi ký kết hợp đồng EPC các bên phải thỏa thuận cụ thể những nội dung chủ yếu sau:
- Phạm vi công việc dự kiến thực hiện theo hợp đồng EPC;
- Vị trí xây dựng, hướng tuyến công trình, loại, cấp công trình; quy mô, công suất và phương án sản phẩm được lựa chọn, năng lực khai thác sử dụng;
- Các thông tin về các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thủy văn, thủy văn của khu vực nơi xây dựng công trình;
- Các yêu cầu về thiết kế xây dựng và một số thông số thiết kế ban đầu;
- Các phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị và thương mại; xuất xứ thiết bị, sản phẩm; giải pháp về mặt công nghệ kết nối thích ứng với các hệ thống kỹ thuật hiện hữu (nếu có);
- Phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài phạm vi công trình; giải pháp phòng, chống cháy, nổ thuộc phạm vi của gói thầu EPC;
- Giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng;
- Các yêu cầu về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thử nghiệm, vận hành chạy thử, bảo hành và bảo trì công trình;
- Giải pháp về kiến trúc, mặt bằng, mặt cắt, mặt đúng công trình, các kích thước, kết cấu chính của công trình xây dựng thuộc phạm vi của gói thầu EPC;
- Danh mục và mức độ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình;
- Các chỉ dẫn kỹ thuật đối với vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật; quy trình vận hành từng phần và toàn bộ công trình thuộc phạm vi của gói thầu EPC;
- Yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ và những vấn đề khác;
- Các yêu cầu liên quan đến các thủ tục phê duyệt; số lượng các loại hồ sơ, tài liệu và mốc thời gian phải nộp cho bên giao thầu;
- Kế hoạch tiến độ thực hiện và các mốc hoàn thành những công việc, hạng mục công trình chủ yếu và toàn bộ công trình để đưa vào khai thác, sử dụng;
- Phân định trách nhiệm giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, đường giao thông nội bộ và các dịch vụ khác có sẵn trên công trường và việc xử lý giao diện giữa các gói thầu trong cùng một dự án xây dựng.
(Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, được bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP)
- Các bên hợp đồng có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng EPC trong trường hợp sau:
+ Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết;
+ Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán.
- Bên giao thầu có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau:
+ Bên nhận thầu bị phá sản hoặc giải thể;
+ Bên nhận thầu từ chối hoặc liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng dẫn đến vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng.
- Bên nhận thầu có quyền chấm dứt hợp đồng trong trường hợp sau:
+ Bên giao thầu bị phá sản hoặc giải thể;
+ Do lỗi của bên giao thầu dẫn tới công việc bị dừng liên tục vượt quá thời hạn đã thỏa thuận của các bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
+ Bên giao thầu không thanh toán cho bên nhận thầu vượt quá thời hạn đã thỏa thuận của các bên kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Lưu ý: Trước khi một bên tạm dừng, chấm dứt thực hiện hợp đồng EPC thì phải thông báo cho bên kia bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do tạm dừng, chấm dứt hợp đồng; trường hợp không thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
(Điều 145 Luật Xây dựng 2014)