Quy định về kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng

02/01/2024 11:15 AM

Việc kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng nhằm mục đích gì? Khi nào kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đột xuất? – Thu Thảo (Thái Bình)

Quy định về kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng

Quy định về kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Ngày 25/12/2023, Thống đôc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 17/2023/TT-NHNN quy định về kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.

1. Mục đích kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng

- Xem xét, đánh giá thông tin, số liệu, tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của đối tượng kiểm tra để đảm bảo đầy đủ, chính xác, tuân thủ quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

- Phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

- Đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng nếu cần thiết.

- Góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng.

(Điều 4 Thông tư 17/2023/TT-NHNN)

2. Kế hoạch kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng hằng năm

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao thủ trưởng các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước ký thừa lệnh kế hoạch kiểm tra hàng năm. Việc ban hành kế hoạch kiểm tra thực hiện như sau:

+ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra cho năm tiếp theo trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, gửi kế hoạch kiểm tra đã được ban hành cho các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước;

+ Các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra cho năm tiếp theo trước ngày 25 tháng 12 hàng năm, đảm bảo không trùng lặp với kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, kế hoạch kiểm tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho năm đó.

- Kế hoạch kiểm tra hàng năm có thể sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

- Kế hoạch kiểm tra hàng năm được xây dựng trên cơ sở các thông tin sau đây:

+ Kết quả triển khai thực hiện công tác kiểm tra của đơn vị kiểm tra những năm trước;

+ Kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng cho năm dự kiến kế hoạch kiểm tra (đối với kế hoạch kiểm tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng); kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đó cho năm dự kiến kế hoạch kiểm tra (đối với kế hoạch kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh); kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn dự kiến kiểm tra cho năm dự kiến kế hoạch kiểm tra (đối với kế hoạch kiểm tra của đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước);

+ Tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của đối tượng kiểm tra;

+ Chỉ đạo, yêu cầu của các cấp có thẩm quyền;

+ Yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý;

+ Yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

- Kế hoạch kiểm tra hàng năm phải có tối thiểu các nội dung sau đây:

+ Căn cứ ban hành kế hoạch kiểm tra;

+ Mục đích, yêu cầu kiểm tra;

+ Đối tượng kiểm tra;

+ Nội dung kiểm tra;

+ Thời gian tiến hành kiểm tra.

- Kế hoạch kiểm tra hàng năm và văn bản sửa đổi, bổ sung kế hoạch kiểm tra hàng năm phải được gửi cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày được ban hành.

(Điều 6 Thông tư 17/2023/TT-NHNN)

3. Kiểm tra chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đột xuất

Đơn vị kiểm tra thực hiện kiểm tra đột xuất trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở yêu cầu, đề nghị, phản ánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức, cá nhân hoặc khi có yêu cầu, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

(Điều 7 Thông tư 17/2023/TT-NHNN)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 737

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079