Căn cứ quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì có thể hiểu kỳ họp bất thường của Quốc hội là kỳ họp của Quốc hội được tổ chức ngoài hai kỳ họp thường lệ mỗi năm để thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Điều 90 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường.
Như vậy, có thể thấy kỳ họp bất thường của Quốc hội có thể được tổ chức khi có yêu cầu của một trong các cá nhân giữ chức vụ hoặc nhóm đại biểu sau đây:
- Chủ tịch nước;
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.
Kỳ họp bất thường là gì? Điều kiện tổ chức kỳ hợp bất thường của Quốc hội (Hình từ internet)
Như đã đề cập ở trên thì kỳ họp bất thường của Quốc hội là kỳ họp của Quốc hội. Do đó, chương trình kỳ họp bất thường và các hình thức làm việc tại kỳ họp bất thường của Quốc hội cũng được thực hiện theo quy định về chương trình kỳ họp và các hình thức làm việc tại kỳ họp thường lệ của Quốc hội, cụ thể như sau:
(1) Quy định về chương trình kỳ họp
Căn cứ Điều 91 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về chương trình kỳ họp Quốc hội như sau:
- Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá trước dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá mới.
- Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 04 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường.
- Quốc hội quyết định chương trình kỳ họp Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung chương trình kỳ họp.
(2) Quy định về các hình thức làm việc tại kỳ họp của Quốc hội
Căn cứ Điều 94 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 quy định về các hình thức làm việc tại kỳ họp Quốc hội như sau:
- Các phiên họp toàn thể của Quốc hội.
- Các phiên họp do Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp.
- Các phiên họp do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để thảo luận, xem xét về các nội dung trong chương trình kỳ họp thuộc lĩnh vực Hội đồng, Ủy ban phụ trách.
- Các phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội thảo luận về các nội dung thuộc chương trình kỳ họp.
- Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội mời Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội khác có liên quan trao đổi về những vấn đề trình Quốc hội xem xét, quyết định.
- Ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể, phiên họp Đoàn đại biểu Quốc hội, Tổ đại biểu Quốc hội, ý kiến góp ý bằng văn bản của đại biểu Quốc hội có giá trị như nhau và được tập hợp, tổng hợp đầy đủ để báo cáo Quốc hội.