Bộ là gì? Một Bộ ở Việt Nam có bao nhiêu Thứ trưởng?

02/02/2024 13:00 PM

Xin cho tôi biết Bộ là gì? Một Bộ ở Việt Nam có bao nhiêu Thứ trưởng? – Thùy Dương (An Giang)

Bộ là gì? Một Bộ ở Việt Nam có bao nhiêu Thứ trưởng?

Bộ là gì? Một Bộ ở Việt Nam có bao nhiêu Thứ trưởng? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Bộ là gì?

Theo khoản 1 Điều 39 Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

Cụ thể, mỗi Bộ sẽ có cơ cấu tổ chức như sau:

- Vụ;

- Văn phòng;

- Thanh tra;

- Cục (nếu có);

- Tổng cục (nếu có);

- Đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, gồm:

- Các đơn vị nghiên cứu chiến lược, chính sách về ngành, lĩnh vực;

- Báo, tạp chí; Trung tâm Thông tin;

- Trường hoặc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Học viện thuộc Bộ.

(Khoản 1, 2 Điều 17 Nghị định 123/2016/NĐ-CP)

Một Bộ ở Việt Nam có bao nhiêu Thứ trưởng?

Thứ trưởng là người giúp Bộ trưởng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Bộ trưởng phân công và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Thứ trưởng không kiêm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc Bộ, trừ trường hợp đặc biệt.

Khi Bộ trưởng vắng mặt, một Thứ trưởng được Bộ trưởng ủy nhiệm thay Bộ trưởng điều hành và giải quyết công việc của Bộ.

Về số lượng Thứ trưởng thì một Bộ ở Việt Nam không quá 05 người; riêng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao thì không quá 06 người.

Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

(Điều 38 Luật Tổ chức Chính phủ 2015 và khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2016/NĐ-CP)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ liên quan đến pháp luật

Đối với pháp luật, các Bộ sẽ có các nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

- Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Trình Chính phủ có ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

- Trình Chính phủ quyết định các biện pháp để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác theo phân công.

- Ban hành thông tư và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó.

- Ban hành thông tư liên tịch với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để quy định việc phối hợp giữa Bộ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành có liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; nếu phát hiện những quy định do các cơ quan đó ban hành có dấu hiệu trái với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

(Điều 6 Nghị định 123/2016/NĐ-CP)

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,952

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079