Thông tư 26 bồi dưỡng thường xuyên mầm non còn được áp dụng không? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo đó, Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/12/2019. Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 26/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Như vậy, Thông tư 26/2012/TT-BGDĐT đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 28/12/2019.
Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non theo Điều 8 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT như sau:
- Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên được xây dựng theo năm học, bao gồm: Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý, của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, phòng giáo dục và đào tạo và sở giáo dục và đào tạo.
- Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên phải nêu rõ mục tiêu, nội dung, loại hình tổ chức bồi dưỡng thường xuyên và kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục cho giáo viên, cán bộ quản lý.
- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên năm học:
+ Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý: Căn cứ vào nhu cầu về mô đun bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng và hướng dẫn của cơ sở giáo dục nơi đang công tác; giáo viên, cán bộ quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của cá nhân trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31 tháng 5 hằng năm;
+ Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên: Căn cứ vào hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, theo phân cấp quản lý, và kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên, cán bộ quản lý; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục cấp trên vào tháng 6 hằng năm;
+ Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của phòng giáo dục và đào tạo: Căn cứ vào hướng dẫn của sở giáo dục và đào tạo và kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý; phòng giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên và báo cáo sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm;
+ Kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của sở giáo dục và đào tạo: Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên của phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục phổ thông thuộc thẩm quyền quản lý và trung tâm giáo dục thường xuyên; sở giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên để triển khai thực hiện từ tháng 7 hằng năm.
Phương pháp và loại hình tổ chức bồi dưỡng thường xuyên với giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non theo Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT như sau:
- Thực hiện bồi dưỡng bằng phương pháp tích cực, tăng cường tự học, phát huy tính tích cực, chủ động và tư duy sáng tạo của giáo viên, cán bộ quản lý; tăng cường thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; thảo luận, trao đổi, chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa báo cáo viên với giáo viên và cán bộ quản lý, giữa giáo viên với giáo viên và giữa cán bộ quản lý với nhau.
- Loại hình tổ chức bồi dưỡng thường xuyên:
+ Tập trung: Thực hiện bồi dưỡng tập trung; hướng dẫn giáo viên, cán bộ quản lý tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung bồi dưỡng thường xuyên đáp ứng nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý trong học tập bồi dưỡng thường xuyên; tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý có cơ hội được trao đổi, chia sẻ, thảo luận về chuyên môn, nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng thực hành.
Thời lượng, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý tham gia học tập bồi dưỡng tập trung được thực hiện theo phân cấp quản lý nhưng phải bảo đảm các yêu cầu về mục đích, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp, thời lượng bồi dưỡng được quy định trong Chương trình bồi dưỡng thường xuyên và các quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT.
+ Từ xa: Thực hiện bồi dưỡng từ xa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng internet cho giáo viên, cán bộ quản lý bảo đảm các yêu cầu về mục đích, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp, thời lượng bồi dưỡng được quy định trong Chương trình bồi dưỡng thường xuyên và các quy định tại Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT;
+ Bán tập trung: Kết hợp loại hình tổ chức bồi dưỡng tập trung và từ xa được quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT đảm bảo hiệu quả và yêu cầu BDTX giáo viên, cán bộ quản lý.