Quy định về điều chỉnh trượt giá hợp đồng với nhà thầu mới nhất (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Việc điều chỉnh trượt giá hợp đồng với nhà thầu (hay điều chỉnh giá hợp đồng do lạm phát, giảm phát) sẽ áp dụng đối với loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh được thực hiện theo quy định của Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Đối với hợp đồng theo thời gian, hợp đồng theo kết quả đầu ra thì việc trượt giá hợp đồng có thể được áp dụng đối với hợp đồng có thời gian thực hiện dài hoặc trong hoàn cảnh thị trường có biến động giá lớn.
Theo khoản 2 Điều 107 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, việc áp dụng điều chỉnh trượt giá phải được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được hoàn thiện nội dung trong quá trình thương thảo hợp đồng (nếu có), hoàn thiện hợp đồng.
Hợp đồng phải quy định nguyên tắc, thời gian tính điều chỉnh; cơ sở dữ liệu đầu vào để tính điều chỉnh; thời điểm để tính toán chỉ số giá hoặc giá gốc để làm cơ sở xác định chênh lệch do trượt giá cho mỗi lần thanh toán hợp đồng.
Nội dung giá hợp đồng phải bao gồm mục giá trị trượt giá tạm tính trên cơ sở dự kiến trượt giá và quy định pháp luật về quản lý chi phí để làm cơ sở thanh toán.
Việc quản lý và thanh toán giá trị trượt giá theo quy định đã có trong hợp đồng, không yêu cầu phải ký văn bản sửa đổi hợp đồng; trường hợp do biến động về giá, việc thanh toán các đợt tiếp theo dẫn đến giá hợp đồng vượt giá gói thầu thì chủ đầu tư phải báo cáo người có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.
Trường hợp được người có thẩm quyền chấp thuận, các bên ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng trước khi thực hiện thanh toán.
Lưu ý, việc xác định trượt giá hợp đồng với nhà thầu phải được dựa trên các phương pháp như sau:
(i) Phương pháp bù trừ trực tiếp;
(ii) Phương pháp điều chỉnh bằng công thức điều chỉnh trên cơ sở áp dụng chỉ số giá. Chỉ số giá để làm cơ sở tính trượt giá được xác định theo quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và nội dung thương thảo hợp đồng (nếu có), hoàn thiện hợp đồng.
Nguồn chỉ số có thể quy định áp dụng theo chỉ số giá do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hoặc chỉ số giá xây dựng do Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố.
Đối với nội dung chi phí tính điều chỉnh trượt giá có nguồn gốc từ nước ngoài, có thể quy định áp dụng chỉ số giá được cơ quan thống kê độc lập nơi phát sinh chi phí ở nước ngoài công bố.
Việc xác định phương pháp, công thức tính điều chỉnh giá phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp tính chất của gói thầu và quy định cụ thể về quản lý rủi ro trượt giá trong hợp đồng.
Chủ đầu tư có thể vận dụng các công thức điều chỉnh đang áp dụng rộng rãi trên thị trường quốc tế bao gồm các mẫu quy định của Hiệp hội quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC), hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các mẫu khác;
(iii) Phương pháp điều chỉnh ngoài quy định tại (i) và (ii) theo quy định của pháp luật.
(Điều 107 Nghị định 24/2024/NĐ-CP)
Theo Luật Đấu thầu 2023, hợp đồng với nhà thầu được phân thành các loại như sau: - Hợp đồng trọn gói; - Hợp đồng theo đơn giá cố định; - Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; - Hợp đồng theo thời gian; - Hợp đồng theo chi phí cộng phí; - Hợp đồng theo kết quả đầu ra; - Hợp đồng theo tỷ lệ phần trăm; - Hợp đồng hỗn hợp. |