Các trường hợp doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

12/03/2024 12:26 PM

Xin hỏi các trường hợp nào doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định pháp luật? - Văn Trung (Bình Dương)

Đối thoại tại nơi làm việc là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 quy định đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

Các trường hợp doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

Căn cứ khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong trường hợp sau đây:

(i) Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

(ii) Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;

(iii) Khi có vụ việc sau đây:

- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

- Xác định nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động 2019.

- Khi xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2019.

- Khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Lao động 2019.

- Khi xây dựng quy chế thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019.

- Khi xây dựng nội quy lao động theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Lao động 2019.

- Khi tạm định chỉnh công việc đối với người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 128 Bộ luật Lao động 2019.

Các trường hợp doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc

Các trường hợp doanh nghiệp phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc (Hình từ internet)

Trách nhiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc của doanh nghiệp

Căn cứ Điều 37 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định trách nhiệm tổ chức đối thoại tại nơi làm việc của doanh nghiệp như sau:

(1) Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định nêu trên.

Ở nơi làm việc có người lao động không tham gia là thành viên của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (nếu có) hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để những người lao động này tự lựa chọn thành viên đại diện cho họ (sau đây gọi là nhóm đại diện đối thoại của người lao động) để tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định nêu trên. Số lượng thành viên nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

(2) Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định cụ thể trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc các nội dung chủ yếu sau để tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định:

- Nguyên tắc đối thoại tại nơi làm việc;

- Số lượng, thành phần tham gia đối thoại của mỗi bên theo quy định tại Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP;

- Số lần, thời gian tổ chức đối thoại định kỳ hằng năm;

- Cách thức tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên, đối thoại khi có vụ việc;

- Trách nhiệm của các bên khi tham gia đối thoại theo quy định;

- Việc áp dụng quy định tại Điều 176 Bộ luật Lao động 2019 đối với các thành viên đại diện tham gia đối thoại bên người lao động mà không phải là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

- Nội dung khác (nếu có).

(3) Ngoài quy định tại điểm (1) và (2), người sử dụng lao động có trách nhiệm:

- Cử đại diện bên người sử dụng lao động tham gia đối thoại tại nơi làm việc theo quy định;

- Bố trí địa điểm, thời gian và các điều kiện vật chất cần thiết khác để tổ chức các cuộc đối thoại tại nơi làm việc;

- Báo cáo tình hình thực hiện đối thoại và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động khi được yêu cầu.

(4) Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động có trách nhiệm:

- Cử thành viên đại diện tham gia đối thoại theo quy định;

- Tham gia ý kiến với người sử dụng lao động về nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

- Lấy ý kiến người lao động, tổng hợp và chuẩn bị nội dung đề nghị đối thoại;

- Tham gia đối thoại với người sử dụng lao động theo quy định pháp luật và quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

(5) Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động tiến hành đối thoại ngoài những trường hợp nêu trên phù hợp với điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động tại nơi làm việc và quy định cụ thể trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,139

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079