Cha/mẹ nuôi kết hôn thì con nuôi của người độc thân có trở thành con nuôi của cả vợ, chồng không? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1,2 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về người được nhận làm con nuôi như sau:
- Trẻ em dưới 16 tuổi
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
+ Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi được quy định tại Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP như sau:
- Đối với việc nuôi con nuôi trong nước, trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
(khoản 1 Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định 24/2019/NĐ-CP)
- Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
- Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
- Đối với việc nuôi con nuôi nước ngoài, thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi quyết định cho người đó làm con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em quyết định cho trẻ em đó làm con nuôi.
Lưu ý: Sở Tư pháp thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Đối với việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau tạm trú ở nước ngoài, thì Cơ quan đại diện nơi tạm trú của người được nhận làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp cả hai bên tạm trú ở nước không có Cơ quan đại diện, thì người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất đối với họ.
Căn cứ khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về người được nhận làm con nuôi như sau:
- Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Như vậy, theo quy định thì một người chỉ có thể làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng nhằm tránh việc trẻ em chỉ được giải quyết cho làm con nuôi của người vợ hoặc người chồng. Đối với trường hợp người độc thân nhận con nuôi thì con nuôi được coi là con riêng của người này.
Trong trường hợp người độc thân kết hôn, để làm phát sinh mối quan hệ cha/mẹ và con, giữa con nuôi với người vợ hoặc chồng của người đã nhận con nuôi thì phải thực hiện thủ tục nhận con nuôi riêng của chồng hoặc vợ làm con nuôi theo diện cha dượng, mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi.
Đoàn Đức Tài