Thế nào là một thủ tục cấp tống đạt văn bản tố tụng hợp lệ?

21/03/2024 13:30 PM

Cho tôi hỏi theo pháp luật về dân sự khi nào được xem là tống đạt hợp lệ một văn bản tố tụng? – Mai Loan (Đăk Lăk)

Thế nào là một thủ tục cấp tống đạt văn bản tố tụng hợp lệ?

Thế nào là một thủ tục cấp tống đạt văn bản tố tụng hợp lệ? (Hình từ internet)

Tống đạt văn bản tố tụng là gì?

Theo Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015, tống đạt văn bản tố tụng được hiểu là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Cơ quan có thẩm quyền (cụ thể ở đây trong pháp luật về dân sự là Tòa án) cho cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ trong vụ án.

Yêu cầu đối với tống đạt văn bản tố tụng

Theo Khoản 2 Điều 310, điểm b Khoản 1 Điều 326, Khoản 3 Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, một trong những căn cứ để đề nghị sửa đổi hoặc hủy bản án là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Hiện nay, để tránh tình trạng hủy án, bản án không đảm bảo được quyền lợi của các bên khi tham gia vào quan hệ tố tụng thì thủ tục tố tụng cần được đảm bảo thực hiện đúng, đủ và tống đạt văn bản là một trong những yêu cầu đó.

Những loại văn bản bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp tống đạt

- Thông báo, giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời trong tố tụng dân sự.

- Bản án, quyết định của Tòa án.

- Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát; các văn bản của cơ quan thi hành án dân sự.

- Các văn bản tố tụng khác mà pháp luật có quy định.

(Điều 171 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Người thực hiện việc cấp tống đạt

- Người tiến hành tố tụng, người của cơ quan ban hành văn bản tố tụng được giao nhiệm vụ thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng.

- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người tham gia tố tụng dân sự cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người tham gia tố tụng dân sự làm việc khi Tòa án có yêu cầu.

- Đương sự, người đại diện của đương sự hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.

- Nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính.

- Người có chức năng tống đạt.

- Những người khác mà pháp luật có quy định.

(Điều 172 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Thủ tục cấp tống đạt văn bản trực tiếp cho cá nhân

- Người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có liên quan. Người được cấp tống đạt, thông báo phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận văn bản tố tụng. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng. Đối với việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng.

- Văn bản có xác nhận phải được chuyển lại cho Tòa án.

- Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

Thủ tục cấp tống đạt hợp lệ cho cá nhân

- Văn bản tố tụng được cấp, tống đạt, thông báo đến địa chỉ mà các đương sự đã gửi cho Tòa án theo phương thức đương sự yêu cầu hoặc tới địa chỉ mà các đương sự đã thỏa thuận và đề nghị Tòa án liên hệ theo địa chỉ đó.

- Người được cấp tống đạt, thông báo là cá nhân thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho họ. Đương sự phải ký nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

**Đương sự chuyển nơi cư trú mới

(1) Nếu đã thông báo cho Tòa án việc thay đổi nơi cư trú thì Tòa án phải cấp, tống đạt, thông báo theo địa chỉ nơi cư trú mới của họ. Đương sự phải ký nhận hoặc điểm chỉ theo quy định tại khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

(2) Nếu họ không thông báo cho Tòa án biết về việc thay đổi địa chỉ nơi cư trú và địa chỉ nơi cư trú mới thì Tòa án thực hiện theo quy định tại Điều 179 và Điều 180 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

**Từ chối nhận

Thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn về việc người đó từ chối nhận văn bản tố tụng. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án

**Người được tống đạt vắng mặt

(1) Thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản và giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng nơi cư trú với họ hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc để thực hiện việc ký nhận hoặc điểm chỉ và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt, thông báo. Biên bản phải được lưu trong hồ sơ vụ án.

(2) Trường hợp người được cấp tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt, thông báo, có xác nhận của đại diện tổ dân phố hoặc Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản cần tống đạt theo quy định tại Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

(Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Như vậy, để được xem là một văn bản được tống đạt hợp lệ thì cần phải đáp ứng đủ các điều kiện về chủ thể, trình tự theo quy định tại Bô luật Tố tụng dân sự 2015 nêu trên.

Trương Quang Vĩnh

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,610

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079