Hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ mới nhất

04/04/2024 10:30 AM

Cho tôi hỏi việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ được hướng dẫn thế nào? - Hoàng Đăng (Đồng Tháp)

Hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ mới nhất

Hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ mới nhất

Theo khoản 1 Điều 21 Thông tư 31/2021/TT-BTC thì căn cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ tại Điều 13 Thông tư 31/2021/TT-BTC, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quản lý như sau:

- Rủi ro cao: Đưa vào danh sách thực hiện rà soát, kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, bổ sung kế hoạch kiểm tra thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế hàng năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. 

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra thực hiện chuyển hình thức sử dụng hóa đơn đang thực hiện sang thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế hoặc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc thực hiện các biện pháp quản lý hóa đơn khác theo quy định hiện hành; quyết định hình thức sử dụng hóa đơn đối với người nộp thuế sử dụng hóa đơn lần đầu;

- Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Thực hiện chọn mẫu để rà soát, kiểm tra, xử lý và tăng cường hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định pháp luật về hóa đơn.

Tổng cục Thuế quy định phương pháp chọn mẫu phù hợp theo yêu cầu quản lý thuế của từng địa phương, trong từng thời kỳ.

Điều 13 Thông tư 31/2021/TT-BTC hướng dẫn việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế như sau:

- Cơ quan thuế căn cứ vào kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế tại Điều 10, kết quả phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư 31/2021/TT-BTC và các thông tin nghiệp vụ tại thời điểm ra quyết định để xác định danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro trong từng thời kỳ và thực hiện:

+ Quản lý tuân thủ pháp luật thuế;

+ Quản lý rủi ro về đăng ký thuế;

+ Quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở của cơ quan thuế;

+ Quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế;

+ Quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế;

+ Quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

+ Quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ;

+ Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế thuộc trường hợp kiểm soát, giám sát trọng điểm;

+ Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế là cá nhân;

+ Áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

- Danh sách người nộp thuế rủi ro theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 31/2021/TT-BTC được cập nhật trên ứng dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật, quản lý thông tin người nộp thuế có rủi ro để phục vụ cho công tác quản lý thuế trong toàn ngành thuế.

- Tổng cục Thuế quy định chi tiết định kỳ việc đánh giá, lập danh sách người nộp thuế rủi ro theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 31/2021/TT-BTC để xác định trọng điểm trong công tác quản lý thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ.

- Nếu có thông tin nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, qua đơn thư tố cáo, qua thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra, thủ trưởng cơ quan thuế quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra, thay đổi biện pháp quản lý thuế khác theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

2. Nội dung và biện pháp kiểm tra, đánh giá việc thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Nội dung và biện pháp kiểm tra, đánh giá việc thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo Điều 23 Thông tư 31/2021/TT-BTC như sau: 

* Thực hiện kiểm tra, đánh giá các nội dung sau:

- Chất lượng tổ chức thực hiện các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro;

- Hiệu lực, hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;

- Việc tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện quyết định kiểm tra, thanh tra hoặc các biện pháp nghiệp vụ khác trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro;

- Đánh giá hiệu quả của các tiêu chí, chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế.

* Biện pháp kiểm tra, đánh giá:

- Tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo của cơ quan thuế các cấp, các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế trong việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro;

- Thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế;

- Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện và áp dụng quản lý rủi ro tại cơ quan thuế các cấp.

* Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phân cấp trách nhiệm cho các đơn vị quản lý rủi ro kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư 31/2021/TT-BTC. Việc đánh giá được thực hiện thường xuyên; Báo cáo định kỳ (6 tháng và hàng năm) và theo các yêu cầu nghiệp vụ phát sinh cụ thể.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,597

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079