Ai có quyền miễn nhiệm Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Tại khoản 2 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019) quy định về các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng chính quyền như sau:
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh;
- Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân tỉnh bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 (sửa đổi 2019);
- Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu;
- Quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh theo chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao; quyết định số lượng và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của Chính phủ;
- Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia thôn, tổ dân phố; đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố, đường, phố, quảng trường, công trình công cộng ở địa phương theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Theo điểm b tiểu mục 2.19 Mục 2 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố được quy định như sau:
Bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:
- Có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương, của đất nước.
- Có năng lực cụ thể hoá, thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp uỷ thành nghị quyết, quy định của Hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương; đồng thời chỉ đạo tổ chức giám sát thực hiện có hiệu quả.
- Có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại tại địa phương.
- Có năng lực phối hợp, giữ mối liên hệ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và công dân; chỉ đạo giải quyết kịp thời các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của cử tri.
- Tổ chức, điều hành hoạt động của Hội đồng nhân dân hiệu quả và đúng pháp luật.
- Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc tương đương.
Cụ thể, bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:
- Có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương và đất nước.
- Có năng lực cụ thể hoá, thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp uỷ, Hội đồng nhân dân thành chương trình, kế hoạch của Uỷ ban nhân dân và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.
- Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc quyền và Uỷ ban nhân dân cấp dưới; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước ở địa phương.
- Có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển địa phương.
- Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc tương đương.
(Điểm c tiểu mục 2.19 Mục 2 Phần I Quy định 214-QĐ/TW năm 2020)