Khu bảo tồn thiên nhiên là gì? Phân loại khu bảo tồn thiên nhiên (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 12 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định khu bảo tồn thiên nhiên (khu bảo tồn) là khu vực địa lý được xác lập ranh giới và phân khu chức năng để bảo tồn đa dạng sinh học.
Căn cứ khoản 1 Điều 16 Luật Đa dạng sinh học 2008 thì khu bảo tồn thiên nhiên bao gồm:
- Vườn quốc gia;
- Khu dự trữ thiên nhiên;
- Khu bảo tồn loài - sinh cảnh;
- Khu bảo vệ cảnh quan.
Nội dung của dự án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên được pháp luật quy định như sau:
- Mục đích bảo tồn đa dạng sinh học; việc đáp ứng các tiêu chí chủ yếu để xác lập khu bảo tồn.
- Thực trạng các hệ sinh thái tự nhiên, các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, các loài hoang dã khác, cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên.
- Diện tích đất, mặt nước; hiện trạng sử dụng đất, mặt nước; số lượng dân cư sống tại nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn; phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
- Trích lục bản đồ, vị trí địa lý, diện tích dự kiến thành lập khu bảo tồn.
- Vị trí địa lý, diện tích phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ - hành chính; ranh giới từng phân khu; phương án ổn định cuộc sống hoặc di dời hộ gia đình, cá nhân ra khỏi nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn.
- Kế hoạch quản lý khu bảo tồn.
- Tổ chức quản lý khu bảo tồn.
- Vị trí địa lý, diện tích, ranh giới vùng đệm của nơi dự kiến thành lập khu bảo tồn.
- Tổ chức thực hiện dự án thành lập khu bảo tồn.
(Theo Điều 21 Luật Đa dạng sinh học 2008)
Căn cứ Điều 33 Luật Đa dạng sinh học 2008 thì nội dung báo cáo về hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên được thực hiện như sau:
- Định kỳ 3 năm một lần, Ban quản lý khu bảo tồn, tổ chức được giao quản lý khu bảo tồn có trách nhiệm báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý khu bảo tồn quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Đa dạng sinh học 2008.
- Báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của khu bảo tồn phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Thực trạng, tình trạng phục hồi và kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn;
+ Thực trạng và kế hoạch bảo tồn các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ trong khu bảo tồn;
+ Yêu cầu đặt ra đối với bảo tồn đa dạng sinh học trong khu bảo tồn;
+ Hiện trạng sử dụng đất trong khu bảo tồn.
Tại Điều 31 Luật Đa dạng sinh học 2008 quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động hợp pháp trong khu bảo tồn thiên nhiên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Khai thác nguồn lợi hợp pháp trong khu bảo tồn theo quy định của Luật Đa dạng sinh học 2008, quy chế quản lý khu bảo tồn và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích từ việc tiếp cận nguồn gen và các hoạt động hợp pháp khác trong khu bảo tồn theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện quy chế quản lý khu bảo tồn;
- Tiến hành các hoạt động khác theo quy định của pháp luật;
- Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Tô Quốc Trình