Những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2024

09/05/2024 09:22 AM

Xin cho tôi hỏi trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2024 có những nhiệm vụ trọng tâm gì? - Thái Hà (TPHCM)

Những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2024

Những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2024 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thủ tục hành chính là gì?

Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.

(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 63/2010/NĐ-CP)

2. Những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính năm 2024

Căn cứ theo quy định Mục III Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024 (ban hành kèm theo Quyết định 104/QĐ-TTg 25/02/2024) quy định về những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch cải cách thủ tục hành chính cụ thể như sau:

[1] Cải cách các quy định thủ tục hành chính, hoạt động kinh doanh (QĐKD)

- Cắt giảm, đơn giản hóa các QĐKD

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể cắt giảm, đơn giản hóa các QĐKD đang là rào cản, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh (chi tiết tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024) gửi Văn phòng Chính phủ chậm nhất trong tháng 5 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên cơ sở các phương án cắt giảm, đơn giản hóa do các bộ, cơ quan đề xuất, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thời hạn hoàn thành trong tháng 6 năm 2024.

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa QĐKD, nhóm QĐKD đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, nghiên cứu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện phương án đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhằm cắt giảm yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm thực chất, hiệu quả, trường hợp bổ sung phương án đơn giản hóa thì gửi Văn phòng Chính phủ chậm nhất trong tháng 02 năm 2024 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

+ Trên cơ sở phương án đơn giản hóa do các bộ, cơ quan đề xuất, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp. Thời hạn hoàn thành trong tháng 3 năm 2024.

- Cắt giảm, đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính, nhóm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư và phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thực hiện rà soát, điều chỉnh, thống nhất phương án đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản QPPL có quy định về thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đã giao tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ giai đoạn 2017 - 2018, bảo đảm phù hợp với hiện trạng kết nối, quản lý, khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; ban hành các văn bản QPPL theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để tổ chức thực thi phương án đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư trong năm 2024. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL báo cáo kết quả làm việc với các bộ trong Quý I năm 2024.

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản QPPL thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để tổ chức thực thi phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1015/QĐ-TTg 30/8/2022.

+ Các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, phát hiện các bất cập về thủ tục hành chính, giấy tờ công dân cần cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp thẩm quyền giải quyết, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung văn bản QPPL để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp.

- Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước

+ Đối với thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước (thủ tục hành chính nội bộ nhóm A)

Các bộ, cơ quan ngang bộ: 

(i) Chủ động thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 100/TCTCCTTHC ngày 14/11/2023 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính; 

(ii) Tiếp tục rà soát, công bố bổ sung danh mục thủ tục hành chính nội bộ nhóm A thuộc phạm vi quản lý, hoàn thành trong tháng 3 năm 2024; 

(iii) Tổ chức rà soát 100% thủ tục hành chính nội bộ nhóm A đã công bố, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số lượng thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 10 năm 2024.

Riêng đối với các nhóm thủ tục hành chính nội bộ trọng tâm ưu tiên theo Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ rà soát, đơn giản hóa khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án, hoàn thành trong tháng 3 năm 2024.

+ Đối với thủ tục hành chính nội bộ thực hiện trong từng bộ, cơ quan, địa phương (thủ tục hành chính nội bộ nhóm B)

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổng hợp danh mục thủ tục hành chính nội bộ nhóm B thực hiện tại bộ, cơ quan, địa phương, để làm cơ sở cho các bộ, cơ quan, địa phương công bố, rà soát, đơn giản hóa; hoàn thành trong tháng 5 năm 2024.

Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: 

(i) Chủ động thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn 100/TCTCCTTHC ngày 14/11/2023 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính; 

(ii) Trên cơ sở danh mục thủ tục hành chính nội bộ nhóm B thực hiện trong các bộ, cơ quan, địa phương do Văn phòng Chính phủ tổng hợp, căn cứ đặc thù và thực tế triển khai nhiệm vụ tại bộ, cơ quan, địa phương để công bố bổ sung danh mục thủ tục hành chính nội bộ nhóm B, hoàn thành trong tháng 6 năm 2024; 

(iii) Rà soát 100% thủ tục hành chính nội bộ nhóm B đã công bố, phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số lượng thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, hoàn thành trong tháng 10 năm 2024.

- Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc đánh giá tác động, thẩm định thủ tục hành chính tại đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản QPPL, bảo đảm các thủ tục hành chính được ban hành đáp ứng yêu cầu về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thấp nhất.

- Bộ Tư pháp, Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường hơn nữa công tác thẩm định quy định thủ tục hành chính tại đề nghị, dự án, dự thảo văn bản QPPL bảo đảm chỉ ban hành thủ tục hành chính thật sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và chi phí tuân thủ thấp nhất.

- Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan và chuyên gia xây dựng báo cáo đánh giá Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 125/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 và kết quả thí điểm cải cách hoạt động cấp phép liên quan đến hoạt động kinh doanh. Các bộ, cơ quan phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, chuyên gia thực hiện đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả cải cách, tính toán chi phí tuân thủ, số liệu… do bộ, cơ quan cung cấp. Thời gian công bố báo cáo này trong tháng 6 năm 2024.

[2] Đổi mới việc thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

+ Xây dựng hoặc hoàn thiện, tích hợp, cung cấp nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2024.

+ Thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc toàn trình trên môi trường điện tử; đồng bộ 100% trạng thái hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

+ Rà soát, đánh giá, tái cấu trúc quy trình đối với các dịch vụ công trực tuyến đang được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm, đồng thời ưu tiên xây dựng, tích hợp, cung cấp các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông cung cấp ở mức độ toàn trình đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

+ Phối hợp với Văn phòng Chính phủ nâng cấp, hoàn thiện, phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trong đó năm 2024 tập trung thực hiện phát triển nền tảng phân tích, kiểm soát quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL phục vụ công bố, công khai, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; phát triển nền tảng xây dựng mẫu đơn, tờ khai điện tử tương tác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện các danh mục dùng chung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

+ Công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để đội ngũ cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện. Định kỳ hàng tháng thống kê đầy đủ những thủ tục hành chính được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để kiểm soát chặt chẽ việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính.

+ Tập trung số hóa, làm sạch dữ liệu, gắn việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu với Kho quản lý dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, ban hành danh mục thành phần hồ sơ phải số hóa theo quy định tại Thông tư 01/2023/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ trong Quý I năm 2024.

+ Thực hiện việc tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, Hệ thống tin giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tập trung do bộ, ngành quản lý với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.

+ Tổ chức thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về quy định, thủ tục hành chính; tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.

+ Định kỳ hàng tháng công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo Quyết định 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan, địa phương để tổ chức, cá nhân theo dõi, giám sát.

- Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đảm bảo phù hợp với Luật Đầu tư công 2019, Luật Ngân sách Nhà nước 2015 và chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành trong tháng 9 năm 2024.

- Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cấp, hoàn thiện, phát triển Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, trong đó năm 2024 tập trung thực hiện phát triển nền tảng phân tích, kiểm soát quy định thủ tục hành chính trong văn bản QPPL phục vụ công bố, công khai, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; phát triển nền tảng xây dựng mẫu đơn, tờ khai điện tử tương tác phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện các danh mục dùng chung trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Dương Thị Hoài Nhi

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,580

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079